Thời gian gần đây, Chính phủ Campuchia đã mượn và so sánh bản đồ để giải thích về tính hợp pháp của bản đồ mà Chính phủ đang sử dụng hiện nay. Các nhà phân tích cho rằng, đây là việc làm rất thiện chí vì bản đồ của Chính phủ là bản đồ duy nhất có cơ sở pháp lý trong triển khai công tác phân giới cắm mốc với Việt Nam hiện nay.
Thực tế cho thấy, Pháp đã từng đô hộ 3 nước Đông Dương gồm: Việt Nam, Lào và Campuchia. Trong thời gian đó, Pháp đã vẽ bản đồ và in rất nhiều bản để giao cho các bên liên quan, đồng thời gửi lưu trữ tại các cường quốc. Khi rời khỏi Đông Dương, Pháp để lại những bản đồ này để các nước đàm phán phân giới cắm mốc biên giới hiện nay.
Hơn 30 năm qua, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã đàm phán với Việt Nam để phân giới cắm mốc đường biên giới giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia. Đến nay, 2 bên đã thống nhất cắm được khoảng 260 cột mốc, tương đương với khoảng 83% khối lượng công việc. Đây là mong muốn của Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia.
Tuy nhiên thời gian gần đây, các Nghị sỹ của phe đối lập đã không thấy được những thành tựu này và có những hoạt động tuyên truyền, kích động trong nhân dân gây bất ổn trong nước. Phe đối lập cho rằng Chính phủ sử dụng bản đồ giả, không đúng quy định để triển khai việc phân giới cắm mốc với Việt Nam, gây dư luận xấu.
Để chứng minh bản đồ đang sử dụng hiện nay là bản đồ có giá trị pháp lý, Chính phủ Campuchia đã mời đại diện Đảng Cứu quốc đến tận Văn phòng Chính phủ để xem bản đồ. Hơn thế nữa Chính phủ Campuchia còn mượn thêm bản đồ từ Liên Hiệp quốc, từ Pháp, Anh và Mỹ để so sánh. Đến nay, Liên hiệp quốc và Pháp đã gửi bản đổ giúp Campuchia so sánh. Kết quả cho thấy các bản đồ đều giống nhau.
Tuy nhiên các Nghị sỹ của phe đối lập vẫn chưa hài lòng với cách so bản đồ của Chính phủ mà đòi lấy những bản đồ đó về tự so sánh. Nhằm ổn định tình hình, Giáo sư Sok Touch, Hiệu trưởng Trường Đại học Khemara đã thành lập nhóm nghiên cứu bản đồ với sự tham gia của các Giáo sư, Tiến sỹ của Viện Hàn lâm Campuchia. Nhóm nghiên cứu này hoạt động hoàn toàn độc lập không có sự chi phối từ Chính phủ hay các Đảng phái chính trị nào.
Đến nay, nhóm của Giáo sư Sok Tuooch đã thu thập được 5 bộ bản đồ từ Pháp, Mỹ, từ Đảng đối lập và bản đồ mà Chính phủ đang sử dụng hiện nay. Sau thời gian nghiên cứu, Giáo sư Sok Tuooch đã có kết luận ban đầu là các bản đồ này đều giống nhau. Ngay cả bản đồ của phe đối lập đưa ra cũng giống với bản đồ của Chính phủ.
Giáo sư Sok Tuooch cho rằng, mặc dù các bản đồ giống nhau nhưng chỉ có bộ bản đồ của Chính phủ mới có giá trị pháp lý trong việc phân giới cắm mốc hiện nay, vì bản đồ của Chính phủ có sự xem xét và thông qua bởi Quốc hội, Thượng viện và Quốc vương ký sắc lệnh đồng ý cho sử dụng. Hơn nữa bản đồ Chính phủ là bản đồ đính kèm với Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Campuchia nên có giá trị pháp lý quốc tế.
Giáo sư Sok Tuooch nhấn mạnh rằng, bản đồ mang về từ Pháp là bản đồ chuẩn nhất vì Pháp là nước vẽ bản đồ cung cấp cho các đơn vị sử dụng; bản đồ mang từ đơn vị khác chỉ để tham khảo.
Phát biểu tại buổi so sánh bản đồ mang từ Pháp về, ông Hor Nam Hong, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Campuchia kêu gọi các Đảng phái chính trị trong nước phải đoàn kết, xem vấn đề biên giới là vấn đề quan trọng của quốc gia, không phải là trò đùa chính trị. Cần thiết phải hợp tác với Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ phân giới cắm mốc với Việt Nam. Đây là mong muốn của Chính phủ và nhân dân 2 nước Campuchia – Việt Nam. Thủ tướng Hun Sen đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần là từ nay trở đi ai còn dám nói Chính phủ sử dụng bản đồ giả sẽ phải đối mặt với pháp luật./.