Châu Âu vẫn loay hoay tìm lời giải cho bài toán nhập cư

14:22, 04/09/2015

Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande nhất trí đề xuất một hệ thống bắt buộc và lâu dài để tiếp nhận người tị nạn và xin nhập cư, đặc biệt là người tị nạn Syria.  

Tuy nhiên, bày tỏ ý kiến trên nhật báo Frankfurt Allgemeine Zeitung của Đức, Thủ tướng Orban cho biết, châu Âu vẫn đang bất hòa vì cuộc khủng hoảng nhập cư.

 

Thủ tướng Orban nhấn mạnh, đến nay ông vẫn chưa nhận được yêu cầu của các quan chức Liên minh châu Âu (EU) về việc phân bổ lại người nhập cư nhưng ông sẽ xem xét nếu được đề nghị.

 

Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo của một trong những nước Balkan tỏ ra cứng rắn nhất về vấn đề nhập cư này khẳng định, ông không muốn tiếp nhận một lượng lớn người nhập cư, trong đó chủ yếu là người Hồi giáo. Ông Orban cho rằng chính sách này chỉ khuyến khích thêm dòng người đổ về châu Âu.

 

“Chúng tôi tin rằng, tất cả các nước có quyền quyết định liệu họ có muốn sống cùng những cộng đồng Hồi giáo đông đảo như vậy không. Nếu câu trả lời là có thì họ có thể sống chung nhưng chúng tôi không muốn điều đó”, ông Orban nói.

 

Hungary đang xây một hàng rào dài 175km dọc biên giới với Serbia để ngăn chặn làn sóng người nhập cư từ nước láng giềng này. Ngày 3/9 cảnh sát Hungary đã chặn một đoàn tàu trên đường sang Áo để yêu cầu những người nhập cư xuống và tập trung vào một trung tâm tiếp nhận người nhập cư ở đây, song đã vấp phải sự phản kháng của những người nhập cư này.

 

Thủ tướng Orban nhấn mạnh, ưu tiên hiện nay của Hungary vẫn là củng cố biên giới của Liên minh châu Âu với Serbia, đồng thời cho biết, ông có thể áp dụng chính sách tương tự với biên giới giáp Croatia nếu người nhập cư đi theo con đường này.

 

Cũng như người đồng cấp Hungary, Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng lời giải cho bài toán nhập cư này không nằm ở châu Âu mà ở Trung Đông, cụ thể là việc đem lại hòa bình và ổn định cho khu vực rối ren phức tạp nhất thế giới này.

 

Ông Cameron cho biết: “Anh là nước đóng góp nhiều thứ hai trên thế giới cho những trại tị nạn của người Syria. Chúng tôi đã tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn Syria và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy. Nhưng tôi cũng phải nói rõ, giải pháp cho vấn đề này không chỉ đơn giản là tiếp nhận người nhập cư. Chúng ta cần một giải pháp tổng thể, một chính phủ mới ở Libya, một thỏa thuận giải quyết khủng hoảng ở Syria”.

 

Đến nay, Anh đã đóng góp khoảng 1,4 tỷ USD cho các cơ quan Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ để giúp đỡ người tị nạn Syria, đồng thời tiếp nhận khoảng 5.000 người.

 

Tuy nhiên, Thủ tướng Cameron vẫn tiếp tục chịu áp lực của dư luận yêu cầu phải tiếp nhận thêm người nhập cư vào nước này sau khi hình ảnh xác em bé tị nạn Syria 3 tuổi trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ khiến dư luận nước Anh và thế giới bàng hoàng, phẫn nộ.

 

Yvette Cooper, một trong 4 ứng viên lãnh đạo Công đảng, đã kêu gọi chính phủ nước này tiếp nhận thêm khoảng 10.000 người tị nạn nữa, một động thái cho thấy các đảng đối lập ở Anh cũng ủng hộ chính sách tiếp nhận thêm người nhập cư.

 

Tổ chức từ thiện Save the Children cũng cho rằng, nước Anh có khả năng tiếp nhận thêm 10.000 người nhập cư nữa và đây là “sự chia sẻ công bằng” với các nước khác nếu so sánh về tổng sản phẩm quốc nội, tỷ lệ thất nghiệp, dân số… Thực tế, con số này chưa thấm vào đâu so với 11 triệu người Syria phải rời bỏ nhà cửa vì cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này.

 

Dù là người tị nạn từ Syria hay những người tìm kiếm cơ hội nhập cư từ các nước Trung Đông và Bắc Phi khác, con đường mà đa số những người này chọn là đi qua Libi, đất nước đang có đến 2 chính phủ tranh giành quyền điều hành khiến việc kiểm soát đường biên giới hết sức khó khăn.

 

Bộ trưởng Tư pháp của Chính phủ không được cộng đồng quốc tế công nhận đặt tại thủ đô Tripoli, Mustafa al-Kulaib đã phải kêu gọi sự giúp đỡ để giải quyết cuộc khủng hoảng này.

 

Trong khi đó, Hy Lạp, nơi tiếp nhận chủ yếu làn sóng người tìm kiếm cơ hội nhập cư vào châu Âu, cũng đang kêu gọi Liên minh châu Âu hỗ trợ 700 triệu Euro nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng để ứng phó với cuộc khủng hoảng này. Cao ủy Liên minh châu Âu về di cư cho rằng, cuộc khủng hoảng người tị nạn và nhập cư ở châu Âu đang vượt ngoài tầm kiểm soát.

 

Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban châu Âu Frans Timmermans nhấn mạnh: “Châu Âu đang phải chiến đấu với một cuộc khủng hoảng chưa từng có, một cuộc khủng hoảng nhân đạo và chính trị. Chúng ta phải đối mặt với một vấn đề mà từng nước không thể giải quyết riêng”./.