Chữ tín và cam kết

08:31, 19/09/2015

Singapore là quốc gia nhỏ bé, dân số ít, nhưng có gần 10 đảng phái, trong đó chỉ có 3 đảng là có vai trò ảnh hưởng trên chính trường, đó là đảng Hành động nhân dân, đảng Công nhân lao động và đảng Nhân dân.

Tuy nhiên, từ khi thành quốc gia độc lập (năm 1965) đến nay, quyền lực đều nằm trong tay của đảng Hành động nhân dân. Quyền lực mà đảng này có được đều nhờ uy tín của chính họ thông qua những đợt bầu cử tự do. Cử tri bỏ lá phiếu cho những người của đảng Hành động nhân dân vì đảng cầm quyền này đã có phương châm hành động: Làm tất cả những việc có thể làm vì ích nước, lợi dân, đã hứa, đã cam kết với dân thì phải làm. 50 năm qua, đảng Hành động nhân dân luôn có một Chính phủ trong sạch qua các nhiệm kỳ và tạo dựng chính quyền các cấp trung thực trong quản lý, điều hành.

 

Người khai sinh ra đảng Hành động nhân dân là ông Lý Quang Diệu - "tổng công trình sư vĩ đại" của đảo quốc sư tử nhỏ bé nhưng là quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, với GDP bình quân đầu người năm 2014 đạt gần 60 nghìn USD. Dưới sự cầm lái của người thuyền trưởng Lý Quang Diệu, vùng đất hoang tàn, nghèo nàn tài nguyên này đã biến thành một ốc đảo trù phú bậc nhất thế giới.

 

Đất nước Singapore gắn với tên tuổi của người khai quốc và người khai sinh ra đảng Hành động nhân dân. Ông Lý Quang Diệu chính thức làm Thủ tướng từ năm 1965-1990. Trong giai đoạn 1959 -1964, ông quản lý vùng tự trị Singapore nằm trong nước Malaysia.

 

Trước khi Lý Quang Diệu thôi làm Thủ tướng, dư luận suy đoán là ông sẽ "truyền ngôi" cho người con trai là ông Lý Hiển Long kế vị chức nguyên thủ quốc gia, nhưng thật bất ngờ ông đã chọn một nhân vật khác kế nhiệm, đó là ông Goh Cok Tong (làm Thủ tướng trong giai đoạn 1990-2002). Vào thời điểm đó, người con trai của ông Lý Quang Diệu cũng đã có đủ năng lực để có thể đảm đương tốt việc nối nghiệp cha. Việc làm của ông là một sự lựa chọn khôn ngoan, tránh được dư luận là đất nước Singapore bị cai trị bởi gia tộc.

 

Trong cuộc bầu cử năm 2011, đảng Hành động nhân dân giành được 81/87 ghế nghị sĩ, năm 2002 ông Lý Hiển Long (con trai của ông Lý Quang Diệu) lên làm Thủ tướng thay ông Goh Chok Tong. Trong cuộc tổng tuyển cử gần đây (ngày 11-9-2015), gần 2,5 triệu cử tri đã đi bầu cử (chiếm trên 93% tổng số cử tri), đảng Hành động nhân dân giành chiến thắng áp đảo với 83/89 ghế Quốc hội. Cuộc bầu cử tự do có sự tham gia tranh cử của các đảng phái với hình thức phổ thông đầu phiếu.

 

Đảng đối lập lớn nhất với đảng cầm quyền là đảng Công nhân lao động (do thủ lĩnh Long Thia Khiang đứng đầu) trước khi bầu cử họ kỳ vọng sẽ có được khoảng 20 ghế nghị sĩ, nhưng kết quả bầu cử không đạt được mục tiêu phấn đấu, họ chỉ được 6 ghế.

 

Đảng Công nhân lao động có tư tưởng cấp tiến, theo thiên hướng đường lối trung tả. Trước khi diễn ra tổng tuyển cử đảng này cũng tự nhận định "biết người, biết ta", mục đích tranh cử là muốn có thêm nhiều ghế nghị sĩ trong Nghị viện với kỳ vọng để tăng khả năng kiểm soát hoạt động của Chính phủ, chính quyền các cấp và các hoạt động của đảng cầm quyền, vốn chiếm khoảng 70% số ghế trong Quốc hội, với lý do là góp phần làm cho Singapore dân chủ hơn.

 

Đảng Dân chủ nhân dân (do ông Chee Soon Juan đứng đầu) yếu thế hơn nhiều trong cuộc đua tìm kiếm ghế nghị sĩ. Đảng này vừa được phục hồi và mới trả xong khoản tiền phạt hàng trăm nghìn USD vì bị buộc tội bôi nhọ, nói xấu ông Lý Quang Diệu và ông Goh Chok Tong (hai cựu Thủ tướng) trong cuộc bầu cử năm 2011.

 

Đảng cầm quyền thu được thắng lợi áp đảo, dư luận cho rằng trong nhiệm kỳ tới họ phải giải quyết rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là giải quyết tình trạng người nhập cư và lao động nhập cư vốn gây bức xúc trong xã hội Singapore. Trong tổng số 5,5 triệu người ở đất nước này thì có khoảng 1 triệu người nhập cư, họ là lực lượng lao động đóng góp quan trọng cho nền kinh tế (80% lao động trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng là người nước ngoài). Mặc dù vậy vẫn có khoảng 2% lao động sở tại thất nghiệp. Singapore đang phải đối mặt với tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng giao thông, nhà ở... vì mật độ dân cư đông đúc, giá nhà cho thuê quá cao so với thu nhập của một bộ phận dân cư thu nhập thấp.