Ngày 23/9, Ủy ban châu Âu ra (EC) đã thông qua 40 thủ tục pháp lý cáo buộc 19 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã vi phạm Hệ thống tị nạn chung châu Âu (CEAS).
Ủy ban châu Âu cho rằng những nước này, trong đó có Đức, Pháp, Italy, Áo và Hungary, đã vi phạm quy định về khu vực tự do đi lại trong Liên minh châu Âu, hay còn gọi là khu vực Schengen.
Để đối phó với làn sóng người tị nạn ở châu Âu, Hungary đã xây một hệ thống rào thép gai dọc biên giới với Serbia. Còn Đức tạm thời dừng thực hiện qui định Dublin liên quan tới việc trả người tị nạn về nước đầu tiên trong khu vực Schengen mà họ đã đặt chân tới, đồng thời tái khởi động kiểm soát biên giới.
Phát biểu tại một cuộc họp báo tại thủ đô Brussels của Bỉ ngày 23/9, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans cho biết, EC muốn kiểm soát chặt chẽ đối với các nước đã vi phạm Hiệp ước Schengen về một châu Âu không biên giới.
Ông nhấn mạnh: "Quy định Dublin cần phải được áp dụng một cách chính xác bởi tất cả các thành viên. Đây là một cách để khôi phục lòng tin trong khu vực Schengen, đồng thời tăng cường quản lý khu vực biên giới bên ngoài EU. Đó là lý do tại sao chúng tôi ra quyết định hôm nay để đảm bảo tất cả các thành viên phải có nghĩa vụ tuân thủ đầy đủ những gì mà họ đã cam kết".
Phó chủ tịch Timmermans cho biết, Ủy ban sẽ có hành động trừng phạt bất kỳ quốc gia nào vi phạm các qui định về tự do đi lại của người dân và chính sách tị nạn chung. Theo ông, châu Âu sẽ có một lực lượng bảo vệ bờ biển biên giới vào cuối năm nay và EC sẽ tăng thêm nguồn lực cho Cơ quan kiểm soát biên giới Frontex.
Châu Âu đang phải vật lộn để đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II.
Theo thống kê của Tổ chức di cư thế giới, gần nửa triệu người từ các quốc gia đang phải trải qua nội chiến và đói nghèo ở Trung đông và châu Phi đã di cư tới lục địa này kể từ đầu năm và dự báo con số này sẽ vượt trên 1 triệu người vào cuối năm nay./.