Trong thời gian gần đây, thị trường toàn cầu trở nên bất ổn, nhà đầu tư tại các trung tâm tài chính Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã chứng kiến thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, sau đó phục hồi một phần, mặc dù vẫn giảm đáng kể so với trước đó.
Theo các chuyên gia, có một số điều cần lưu ý khi xem xét những vấn đề này. Đầu tiên là việc thị trường chứng khoán phương Tây được định giá cao trong một thời gian không phải vì các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt. Thay vào đó, nó là kết quả của một thời gian kéo dài nhiều năm các ngân hàng trung ương đã bơm tiền vào thị trường toàn cầu thông qua các chính sách nới lỏng tiền tệ, trong đó nổi bật nhất là chính sách nới lỏng định lượng. Việc “tạo” ra tiền theo cách này đã dẫn đến dư thừa vốn, do đó các loại tài sản như chứng khoán và bất động sản đã bị "thổi" giá. Một chiến dịch nới lỏng tiền tệ chưa từng thấy được áp dụng và nhiều người suy đoán rằng những hậu quả tiếp theo sẽ nghiêm trọng khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất và giảm lượng cung tiền. Vì vậy, ở góc độ nào đó, thị trường chứng khoán giảm được coi là tác động thực đến nền kinh tế ngay cả khi các cổ đông không muốn điều đó.
Ngoài ra, những yếu tố có thể làm thay đổi định giá thị trường đã xuất hiện, nhưng hầu hết không phải là mới. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã sụt giảm liên tục trong nhiều năm, và số liệu xuất khẩu yếu hơn dự kiến trong tháng Bảy cũng không phải xu hướng mới. Sự giảm cầu đã làm hàng hóa không tiêu thụ được và tình hình này có xu hướng diễn ra theo một chu kỳ dài. Các nước xuất khẩu hàng hóa (thường ở các thị trường mới nổi) bị tác động do giá cả hàng hóa giảm cũng đang phải đối mặt với dòng vốn chảy ra ngoài, chuyển đến Mỹ trong kỳ vọng lãi suất được nâng lên.
Nền kinh tế thế giới đang trải qua một giai đoạn chuyển đổi. Các thị trường mới nổi cuối cùng cũng đang phải đối phó với những mặt trái luôn song hành cùng mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Không thể xem thường những vấn đề mà Chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt. Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc đã bị gián đoạn vào năm 2008, khi tất cả các khách hàng của Trung Quốc rơi vào khủng hoảng. Kể từ đó Trung Quốc đã chuyển hướng thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Vấn đề là để phát triển thành một nền kinh tế hiện đại, theo phong cách phương Tây với thị trường vốn phức hợp, Trung Quốc sẽ cần thuyết phục được các nhà đầu tư phương Tây đầu tư vào một thị trường đang bị chính phủ kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã phải đối mặt với bong bóng thị trường chứng khoán và nhà đất, cùng với một nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và mức nợ cao. Có lẽ là mọi hành động trực tiếp can thiệp để giải quyết những khó khăn này có thể đẩy Trung Quốc xa rời hơn khỏi mô hình thị trường mà Trung Quốc hy vọng có thể giúp họ có được tương lai phát triển, ổn định.
Nền kinh tế thế giới đang trải qua một giai đoạn chuyển đổi. Các thị trường mới nổi cuối cùng cũng đang phải đối phó với những mặt trái luôn song hành cùng mục tiêu tăng trưởng bền vững. Các nền kinh tế khác hiện vẫn đang hy vọng Mỹ sẽ tạo ra đủ lực cầu để giúp họ thoát khỏi khó khăn một lần nữa. Việc chuyển đổi có thể sẽ ảnh hưởng tới không chỉ các thị trường mới nổi mà với bất kỳ quốc gia phương Tây nào liên quan như Tây Ban Nha và Hy Lạp. Một giai đoạn chuyển tiếp như vậy hoàn toàn có khả năng cao tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn, đặc biệt với giá tài sản đã được định giá quá cao.