Từ lâu, loài người đã nhận thức được tác hại của biến đổi khí hậu. Nhưng để có được tiếng nói chung và trách nhiệm chung mang tính toàn cầu ngăn chặn trái đất nóng lên vẫn luôn là đề tài tranh luận gay gắt mà chưa tìm được sự đồng thuận tại các hội nghị về chống biến đổi khí hậu trong quá khứ.
Bởi thế, dư luận đánh giá rằng Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc lần thứ 21 vừa được tổ chức tại Paris (Pháp) chuyên đề về ngăn chặn biến đổi khí hậu đã đạt được những thỏa thuận mang tính lịch sử quan trọng. Lần đầu tiên tất cả đại diện các quốc gia (195 nước) dự Dội nghị đã đưa ra được cam kết chung hành động chống biến đổi khí hậu.
Sau nhiều tranh luận, thậm chí nhiều ý kiến gay gắt, cuối cùng Hội nghị đã đạt được những nội dung, mục tiêu chính đó là sẽ bằng mọi biện pháp để giảm nhiệt độ trái đất từ nay đến cuối thế kỷ 21 (giảm 2 độ C); các nguyên thủ, đại diện chính phủ các nước đều đồng ý cắt giảm khí thải nhà kính; các nước công nghiệp phát triển (nước giàu) cam kết mỗi năm đóng góp 100 tỷ USD để giúp các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi dần việc sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh...
Tuy nhiên, các ràng buộc thỏa thuận tại diễn đàn Liên hợp quốc muốn có hiệu lực thực sự thì phải trải qua nhiều giai đoạn như được quốc hội các nước đồng ý phê chuẩn mới có hiệu lực pháp lý để thực hiện, hoặc là chính phủ các nước phải cụ thể hóa các cam kết, thực hiện nghĩa vụ cắt giảm khí thải và đóng góp tài chính theo những nội dung đã cam kết.
Trong thực tế, sự đóng góp tài chính cho các chương trình chống biến đổi khí hậu hoặc các giải pháp của các nước nhằm hạn chế phát thải khí công nghiệp còn phụ thuộc vào đời sống chính trị của nhiều quốc gia. Ví dụ ở Mỹ chính phủ của đảng Dân chủ cầm quyền có thể thực hiện các cam kết quốc tế, nhưng giả sử năm 2016 qua bầu cử, người khác lên nắm quyền Tổng thống, có thể họ không thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết quốc tế về nghĩa vụ Hoa Kỳ đã đồng ý trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu với tư cách là một quốc gia có nền tài chính hùng hậu, nhất góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Cách đây hàng trăm năm, từ khi loài người bước vào kỷ nguyên công nghiệp hóa đã thải ra môi trường khoảng 375 tỷ tấn Cacbon (CO2), nguyên nhân chủ yếu là do đốt nhiên liệu. Nhiều hội nghị trước đây về môi trường, về biến đổi khí hậu thường diễn ra các cuộc tranh luận gay gắt giữa các nước vốn đã và đang phát thải nhiều khí Co2, nhưng ít khi đạt được các mục tiêu và lộ trình cắt giảm khí thải.
Hiện tại, Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước đang phát triển phát thải khí CO2 nhiều nhất, nhưng tại nhiều hội nghị trước đây họ không nhất trí các lộ trình cắt giảm vì cho rằng trái đất bị ô nhiễm và nhiệt độ tăng như ngày nay chủ yếu do các cường quốc công nghiệp như Mỹ, Anh, Pháp, Đức... gây ra trong hàng trăm năm trước khi các nước thực hiện công cuộc công nghiệp hóa. Vì vậy, hầu hết các nước nghèo cùng Trung Quốc, Ấn Độ đã yêu cầu các nước công nghiệp phát triển phải đi tiên phong trong việc giảm khí thải, có trách nhiệm đóng góp tài chính và công nghệ cho thế giới để các nước đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu, như sử dụng công nghệ hiện đại đối với các nhà máy nhiệt điện, xây dựng nhà máy điện gió, điện mặt trời...
Hiện nay, các loại chất thải khí, lỏng, rắn đã làm ô nhiễm môi trường trầm trọng. Nhiệt độ trái đất tăng cao làm cho băng tan, nguy cơ nước biển dâng, vùng đồng bằng duyên hải ngập mặn, xói lở. Các nhà khoa học ước tính mỗi năm có khoảng 50 tỷ tấn băng ở Nam cực bị tan chảy (số băng tan nhiều hơn lượng băng tái tạo tự nhiên).
Phát thải khí công nghiệp, nạn phá rừng làm trái đất nóng lên là nguyên nhân chính của thiên tai, sa mạc hóa, nhiều vùng đất trên thế giới cạn kiệt nguồn nước, tác động tiêu cực đến cuộc sống của khoảng 1 tỷ người ở 100 quốc gia khắp các châu lục. Đặc biệt khu vực châu Phi và vùng Trung Đông, người ta dự báo nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả thì đến năm 2050, sẽ có 2/3 đất canh tác của châu Phi bị sa mạc hóa. Châu lục đen nghèo đói hiện nay mỗi năm tàn phá khoảng 2 triệu ha rừng. 40 năm qua có tới 1/3 diện tích đất trồng trọt trên toàn cầu bị sa mạc hóa và nguy cơ sa mạc hóa.
Rừng Amazon - “lá phổi” khổng lồ của hành tinh - cũng đang bị con người tàn phá nghiêm trọng, bình quân mỗi năm mất đi khoảng 15-20 nghìn km2, trong 10 năm (từ 2000-2010) có 240 nghìn km2 bị phá hủy.
Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia sẽ chịu tác động nặng nhất về biến đổi khí hậu. Hiện nay nước ta có khoảng 9 triệu ha đất bị hoang hóa, khoảng 1 triệu ha bị nhiễm mặn. Nếu theo kịch bản dự báo nước biển dâng đến cuối thế kỷ 21 thì một vùng rộng lớn đồng bằng Nam Bộ và vùng trũng duyên hải Bắc và Trung Bộ sẽ bị ngập không thể sản xuất nông nghiệp. Mấy năm gần đây, tình trạng sạt lở do xâm thực nước biển diễn ra rất nhanh làm cho nhiều vùng đất bị thu hẹp.
Từ năm 1980, lần đầu tiên Liên hợp quốc đưa ra khái niệm phát triển bền vững, đó là không chỉ vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà ảnh hưởng đến môi trường, môi sinh, muốn đạt được mục tiêu phát triển hài hòa đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cộng đồng quốc tế, các quốc gia và toàn xã hội.