Hungary và Slovakia đã đệ đơn kiện Liên minh châu Âu liên quan tới hạn ngạch phân bổ người tị nạn trong khi một số nước cảnh báo, các nước châu Âu không chấp nhận chia sẻ gánh nặng người tị nạn có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt.
Áo gần đây cho rằng, những nước không chấp nhận chia sẻ gánh nặng người tị nạn theo hạn ngạch của Liên minh châu Âu nên đối mặt với các biện pháp trừng phạt. Thủ tướng Áo Werner Faymann cho biết, những nước không hợp tác với chương trình và nhận nhiều tiền hơn từ Liên minh châu Âu hơn là việc họ chi ra thì cần phải cắt trợ cấp của họ.
Thủ tướng Áo cũng khẳng định, nước này không thể chấp nhận nhiều hơn 100.000 người di cư/ năm. Áo hiện chỉ muốn đón khoảng 95.000 người tị nạn trong năm nay- tương đương với hơn 1% dân số nước này.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 21/12 cũng cảnh báo sẽ sử dụng các hành động pháp lí nhằm vào những nước Liên minh châu Âu từ chối chấp nhận người tị nạn theo chương trình hạn ngạch của khối, đặc biệt đề cập đến Hungary và Slovakia.
Ông Steinmeier nhấn mạnh, tình đoàn kết châu Âu không phải là "con đường một chiều", nhấn mạnh những quốc gia từ chối tiếp nhận người tị nạn phải hiểu những gì đang đe dọa họ.
Theo kế hoạch phân bổ 160.000 người tị nạn và di cư trên toàn khối, Hungary và Slovakia, mỗi nước phải tiếp nhận khoảng 2.300 người. Tuy nhiên kế hoạch phân bổ này đang chứng minh sự khó khăn và chậm trễ trong việc thực hiện hóa.
Hungary ngày 21/12 lên án các đề xuất trừng phạt của Áo và cho rằng sẽ là sai lầm khi để hàng trăm nghìn người , thậm chí là hàng triệu người vào châu Âu mà không kiểm soát. Một số thành viên trong chính phủ Hungary cũng cáo buộc các chính trị gia nước ngoài đang sử dụng “tối hậu thư” để đưa thêm nhiều người di cư vào châu Âu.
Trong khi đó, Thủ tướng Slovakia Robert Fico khẳng định, ông có thể sẽ vi phạm các qui tắc của Liên minh châu Âu thay vì thực hiện những qui tắc hạn ngạch người tị nạn vô lí của Liên minh châu Âu.
Trước đó, ngày 3/12, Hungary đã đệ đơn kiện EU liên quan tới hạn ngạch phân bổ 160.000 người tị nạn giữa các nước thành viên, một ngày sau khi Slovakia cũng đệ đơn kiện liên minh này lên Tòa án Công lý châu Âu ở Lucxembourg liên quan tới hệ thống hạn ngạch mang tính bắt buộc này.
Bất chấp việc các nước châu Âu cam kết tiếp nhận nhiều hơn người tị nạn, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn Antonio Guterres cảnh báo, cuộc khủng hoảng người tị nạn có thể tồi tệ hơn trong năm 2016. Số người buộc phải sơ tán trên toàn thế giới có thể vượt xa con số kỉ lục của năm nay, chủ yếu do cuộc nội chiến Syria và các cuộc xung đột khác.
Ông Steinmeier nói: “Hiện tượng sơ tán sẽ tồi tệ hơn trong năm 2016. Chúng tôi nghĩ đã đạt mức kỉ lục vào năm ngoái và mọi thứ không thể tồi tệ hơn, nhưng không may thay chính xác điều đó đang diễn ra. Nếu không có giải pháp, các thảm kịch trên biển vẫn diễn ra và bất ổn ở các nước Balkan vẫn tiếp tục. Tôi thực sự lo lắng về tương lai của hệ thống tị nạn châu Âu”.
Tại cuộc họp thượng đỉnh cuối cùng của năm 2015, lãnh đạo các nước thành viên EU cũng đã nhất trí ấn định hạn chót là ngày 30/6/2016 phải thông qua việc thành lập một cơ quan bảo vệ biên giới trên biển và trên bộ chung của khối nhằm đối phó với dòng người từ ngoài liên minh./.