Liên hợp quốc công bố số liệu thương vong do an ninh bất ổn tại Iraq

16:20, 20/01/2016

Ngày 19/1, Phó phát ngôn viên Liên hợp quốc Farhan Haq công bố số liệu thống kê cho thấy, trong vòng 22 tháng qua (tính từ 1/1/2014 - 31/10/2015) đã có hơn 18.800 thường dân thiệt mạng và hơn 36.000 người khác bị thương do an ninh bất ổn tại Iraq.

Báo cáo của Liên hợp quốc cũng chỉ ra một thực trạng đáng lo ngại rằng, kể từ tháng 1-2014 cho tới nay, đã có hơn 3,2 triệu người Iraq phải rời bỏ nhà cửa, trong đó có hơn 1 triệu trẻ em đang trong độ tuổi đến trường. Bên cạnh đó, báo cáo cũng lưu ý thêm rằng, các cuộc giao tranh giữa lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, lực lượng an ninh Iraq và các tay súng thân chính phủ diễn ra từ đầu năm 2014 tới cuối tháng 10-2015 là nguyên nhân chính gây thương vong cho người dân Iraq.

 

Ông Haq chỉ ra rằng, có nhiều người dân Iraq đã trở thành nạn nhân của các tội ác kinh hoàng do IS thực hiện, bao gồm chặt đầu, thiêu sống, ném xuống từ nóc tòa nhà cao tầng…chưa kể đến các vụ bóc lột tình dục phụ nữ, trẻ em gái và sát hại binh lính trẻ em Iraq đang bị ép buộc chiến đấu tại khu vực tiền tuyến tỉnh Anbar.

 

Bản báo cáo trên được đưa ra dựa trên các số liệu do Phái bộ Hỗ trợ Liên hợp quốc tại Iraq (UNAMI) và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) thu thập trực tiếp từ các nạn nhân và nhân chứng của các vụ tấn công bạo lực tại Iraq. Theo thống kê của UNAMI và OHCHR, có khoảng 3.500 người Iraq đang bị giam giữ làm nô lệ tại các căn cứ của IS - lực lượng đã chiếm đóng các khu vực tập trung người nhánh Hồi giáo Sunni tại phía Bắc và phía Tây Iraq từ năm 2014.

 

Ngoài việc chỉ ra những tội ác của IS, bản báo cáo của Liên hợp quốc cũng lưu ý về các hành vi vi phạm nhân quyền của các lực lượng an ninh Iraq và các nhóm phối hợp khác, gồm cả các tay súng, các bộ lạc, các đơn vị được huy động trong quần chúng và Lực lượng Peshmerga (kháng chiến) người Kurd.

 

Trước bối cảnh trên, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Iraq Jan Kubis đã một lần nữa, kêu gọi các phe phái xung đột tại Iraq bảo đảm an toàn cho dân thường tại các khu vực diễn ra giao tranh. Bên cạnh đó, ông Kubis cũng kêu gọi chính quyền Baghdad thực hiện “mọi biện pháp” nhằm duy trì trật tự, luật pháp cần thiết để tạo điều kiện cho người dân Iraq quay trở lại nơi cư trú.

 

Về phía Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền (UNHCHR), ông Zeid Ra'ad Al Hussein cảnh báo rằng số thương vong tại Iraq có khả năng còn cao hơn số liệu được báo cáo. Từ đó, ông Hussein kêu gọi “hành động cấp thiết” để đối phó với tình hình bạo lực tại Iraq - nơi mà những kẻ thủ ác vẫn còn nhởn nhơ và chưa phải đối mặt với hậu quả./.