Quan hệ giữa Iran với phương Tây vừa ghi nhận bước tiến mới sau khi các lệnh trừng phạt kinh tế chống quốc gia Hồi giáo này được dỡ bỏ. Thế nhưng, chỉ chưa đầy 24 giờ sau, Mỹ ngay lập tức áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.
Theo lệnh trừng phạt mới nhất này, 5 công dân Iran cùng một mạng lưới các công ty có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ. Theo lập luận của giới chức nước này, chương trình tên lửa đạn đạo của Iran vẫn là mối đe dọa lớn với an ninh khu vực và thế giới. Đây là lý do vì sao quốc gia Hồi giáo này trở thành đối tượng của các biện pháp trừng phạt quốc tế. Thừa nhận Mỹ vẫn còn "những bất đồng sâu sắc" với Iran, phát biểu sau khi đưa ra quyết định trên, Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh: Thỏa thuận hạt nhân với Iran không nhằm giải quyết mọi bất đồng giữa hai nước; đồng thời khẳng định, Washington sẽ tiếp tục áp đặt trừng phạt nhằm vào chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran.
Sự kiện Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Iran được coi là một điểm sáng trong bức tranh chính trị thế giới đầu năm 2016. Theo đó, Iran sẽ được bán dầu, xuất khẩu hàng hóa ra thế giới và tiếp cận trở lại với 100 tỷ USD bị đóng băng trong tài khoản ở các ngân hàng nước ngoài. Song, việc Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung - được cho là chuẩn bị từ trước và chỉ công bố sau khi chiếc máy bay chở các tù nhân Mỹ do Iran phóng thích rời khỏi nước này - cho thấy những nghi kỵ và ngờ vực giữa Mỹ và Iran chưa thể hóa giải. Mỹ đưa ra quyết định nêu trên vì Washington luôn bảo lưu quan điểm Iran là yếu tố gây bất ổn đối với khu vực và thế giới. Trong đó có những ủng hộ của Iran đối với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria hay lực lượng Hezbollah vốn là thù địch của Israel đã đi ngược lại với lợi ích của Mỹ và đồng minh trong khu vực. Vì thế, việc áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung không chỉ bảo vệ lợi ích của Mỹ mà còn trấn an đồng minh và các đối tác trong khu vực về những cam kết của nước này.
Có thể Mỹ toan tính áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung sau khi dỡ bỏ những trừng phạt về hạt nhân của Iran sẽ tạo ấn tượng tốt trong dư luận về việc Washington thực hiện đúng cam kết đa phương. Thế nhưng, những bất đồng xung quanh lệnh trừng phạt này sẽ khiến quan hệ hai nước trở nên phức tạp hơn. Ngay sau quyết định nêu trên của Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Hossein Jaberi Ansari tuyên bố: Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào chương trình tên lửa đạn đạo của nước này là bất hợp pháp, đồng thời khẳng định Iran sẽ thử nghiệm các loại tên lửa do nước này thiết kế và sản xuất. Ông Hossein Jaberi Ansari nhấn mạnh: Bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt mới "với những cái cớ vô lý" là dấu hiệu cho thấy Mỹ vẫn duy trì chính sách thù địch với Iran cũng như một nỗ lực vô ích nhằm phá hoại sức mạnh quốc phòng của Tehran.
Quan hệ giữa Mỹ và Iran sẽ còn diễn biến phức tạp khi lợi ích chi phối cả hai bên. Tất nhiên không dễ để bình thường hóa toàn diện khi trong một thời gian dài, Washington luôn sử dụng những biện pháp cứng rắn nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran, trong khi Tehran không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để tăng cường sức mạnh hạt nhân - chiếc chìa khóa trên bàn đàm phán và giúp nước này củng cố địa vị, tầm ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông.