Nếu hai đối thủ mạnh đối đầu

09:00, 09/01/2016

Trong nhiều thập niên qua, khu vực Trung Đông luôn rơi vào tình trạng bất ổn triền miên do mâu thuẫn quốc gia, sắc tộc, tôn giáo. Gần đây, sự mâu thuẫn giữa hai dòng Hồi giáo Shiite và Sunni có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến giữa hai cường quốc hùng mạnh nhất ở khu vực Trung Đông, đó là Iran và Ả rập - Xê út.

Nguyên nhân mâu thuẫn là do Ả rập - Xê út hành quyết giáo sĩ Nimr al-Nimr, ông này thuộc dòng Hồi giáo Shiite. Chính quyền Ả rập - Xê út cáo buộc ông Nimr al-Nimr cầm đầu các phong trào biểu tình chống Chính phủ thuộc dòng Hồi giáo Sunni.

 

Đến nay, cả thế giới có khoảng 1,5 tỷ tín đồ Hồi giáo, trong đó Hồi giáo dòng Sunni chiếm khoảng 80%, dòng Shiite chiếm khoảng 20%. Mặc dù ra đời từ một cội nguồn nhưng đã phân tách và từ trong lịch sử xa xưa, hai dòng Hồi giáo này đã có mâu thuẫn sâu sắc. Người Shiite chiếm đa số tại Iran, người Sunni chiếm đa số tại Ả rập - Xê út. Việc tử hình giáo sĩ dòng Shiite người Ả rập - Xê út (ông này vốn thân với Iran) đã làm cho mâu thuẫn giữa hai nước càng tăng thêm.

 

Hai quốc gia lớn có hai dòng Hồi giáo mâu thuẫn nhau, họ lại là người nắm chính quyền lãnh đạo đất nước. Có thể nói đó là một hệ quả hiển nhiên dẫn đến mâu thuẫn giữa hai nhà nước. Đây không đơn thuần là mâu thuẫn giữa hai hệ phái Hồi giáo mà còn là mâu thuẫn xuất phát từ tham vọng chính trị của hai dòng Hồi giáo này muốn bành trướng sự ảnh hưởng của mình trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, quân sự ở khu vực Trung Đông. Hai cường quốc đều có mục tiêu vươn lên trở thành quốc gia mạnh nhất, đứng đầu chi phối khu vực Trung Đông.

 

Iran và Ả rập - Xê út đều có các nước đồng minh trong khu vực. Thường đã là đồng minh thì sẽ có chung kẻ thù (tuy nhiên cũng có những quốc gia đồng minh nhưng luôn giữ thái độ trung lập), vì thế dư luận nhận định rằng nếu có chiến tranh xảy ra giữa hai cường quốc Iran và Ả rập - Xê út thì đây sẽ là cuộc chiến tàn khốc lan ra cả khu vực và các nước đồng minh. Nguy hại hơn, đây có thể sẽ là một thời cơ tốt cho các nhóm khủng bố vốn đã hoành hành ở khu vực Trung Đông lợi dụng thời điểm phức tạp để tăng cường hoạt động và sẽ là rào cản cho các nước đang tấn công Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Nếu cuộc chiến nổ ra, rất có thể Hoa Kỳ và phương Tây sẽ tiếp tục can thiệp quân sự để bảo vệ đồng minh và nguồn lợi dầu mỏ mà người Mỹ đang có quyền lợi rất lớn ở khu vực này.

 

Hai quốc gia địch thủ trên là hai cường quốc kinh tế và quân sự trong khu vực. Ả rập - Xê út có diện tích trên 2 triệu km2, dân số trên 30 triệu người, là quốc gia có trữ lượng và sản lượng khai thác dầu lớn nhất thế giới, hiện có dự trữ ngoại tệ gần 700 tỷ USD. Trong những năm gần đây, Ả rập - Xê út là một trong những quốc gia chi cho quốc phòng rất lớn, chỉ đứng sau Mỹ, Trung Quốc và Nga (năm 2014 đầu tư cho quốc phòng khoảng 70 tỷ USD. Ả rập - Xê út có gần nửa triệu quân, có rất nhiều vũ khí, khí tài hiện đại mua của Mỹ và Tây Âu (tiềm lực quân sự xếp hạng thứ 25 thế giới).

 

Iran có diện tích 1,6 triệu km2, dân số gần 80 triệu người, GDP khoảng 400 tỷ USD. Iran có khoảng nửa triệu quân chính quy, ngoài ra còn có khoảng 500 nghìn quân dự bị. Nhiều thập niên là quốc gia bị Mỹ và phương Tây cấm vận, nhưng Iran đã tự lực, tự cường sản xuất, chế tạo được nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại (tiềm lực quân sự xếp thứ 22 thế giới).

 

Sau sự cố hành hình giáo sĩ Nimr al-Nimr, nhiều cuộc bạo động, tấn công của người Hồi giáo dòng Shiite đã xảy ra ở nhiều nơi trong khu vực Trung Đông, điển hình là người biểu tình ở Iran đã đốt phá Đại sứ quán Ả rập - Xê út tại Thủ đô Tehran và lãnh sự quán ở Mahshad. Đầu tháng 1-2016, Ả rập - Xê út tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran.

 

Ả rập - Xê út là đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở khu vực Trung Đông, nhưng gần đây Ả rập - Xê út lại bất bình với Mỹ về việc Hoa Kỳ cùng các quốc gia liên quan đã hội đàm và đạt được các thỏa thuận về hạn chế chương trình hạt nhân của Iran, mở đường cho việc thế giới bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với nước này. Ả rập - Xê út cho rằng nếu xóa cấm vận, Iran sẽ mua sắm nhiều loại vũ khí uy hiếp an ninh khu vực. Trước những quan hệ căng thẳng giữa hai nước lớn, Liên hợp quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Đức... đã lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế, tìm giải pháp ngoại giao để giải quyết xung đột, tránh leo thang căng thẳng dẫn đến chiến tranh.