Hy vọng mong manh về hòa bình tại Syria vừa được nhen nhóm sau khi 17 quốc gia trong "Nhóm quốc tế ủng hộ Syria" gồm cả Mỹ và Nga đã nhất trí thực thi một lệnh ngừng bắn tạm thời và tạm dừng các hoạt động thù địch trên toàn lãnh thổ nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 5 năm qua ở quốc gia Trung Đông này.
Bước đi đầu tiên tới hòa bình đã góp phần mở ra con đường viện trợ nhân đạo cho người dân Syria, đặc biệt ở những thị trấn bị bao vây.
Thỏa thuận trên đạt được ngay trước thềm Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 52 diễn ra tại Khách sạn sang trọng Bayerischer Hof thuộc bang Bayern của Đức với sự tham dự của khoảng 30 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước cũng như các nhà chính trị hàng đầu thế giới. Thỏa thuận bao gồm hai điểm chính: Các nước nhất trí tăng cường viện trợ nhân đạo cho người dân Syria và thực hiện thỏa thuận "tạm dừng các hoạt động thù địch" trên lãnh thổ nước này - tính từ ngày 12-2.
Thỏa thuận áp dụng đối với tất cả các bên ở Syria, ngoại trừ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Dù chỉ tạm thời nhưng lệnh ngừng bắn vừa đạt được là tín hiệu tích cực về cuộc nội chiến ở Syria kể từ đầu năm đến nay. Đặc biệt trong bối cảnh vòng đàm phán hòa bình Syria diễn ra ở Geneva đầu tháng này đã lâm vào bế tắc khi phe chính phủ và lực lượng đối lập không chấp nhận nhượng bộ khiến đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura phải tuyên bố hoãn vòng đàm phán đến ngày 25-2 tới.
Thỏa thuận dù mong manh, song lại được xem là khởi đầu cho những giải pháp quan trọng nhằm khôi phục tiến trình hòa bình và chấm dứt nội chiến. Điều này không chỉ có ý nghĩa với Syria mà còn tác động đến cuộc khủng hoảng người di cư vào Châu Âu, những căng thẳng trong quan hệ giữa các cường quốc như Mỹ, Nga, cuộc chiến chống IS và toàn bộ khu vực Bắc Phi và Trung Đông.
Cho rằng cuộc đàm phán hòa bình về Syria tại Geneva (Thụy Sĩ) cần được nối lại trong thời gian sớm nhất với sự tham gia của các nhóm đối lập Syria, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh: Việc các bên tham chiến tại Syria ngừng bắn là một bước tiến đến khởi động đàm phán. Cũng theo ông S.Lavrov, đàm phán không nên có bất cứ điều kiện tiên quyết nào và phải bao gồm đại diện rộng rãi phe đối lập. Vì thế, Ngoại trưởng Nga đã hối thúc liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu hợp tác với quân đội Nga tại Syria, bởi cả hai có "chung một kẻ thù".
Dù thỏa thuận ngừng bắn tạm thời đã được thông qua, nhưng giữa các nước vẫn tồn tại những bất đồng chưa thể hóa giải. Để bảo đảm việc thực thi văn bản này, một lực lượng chuyên trách do Mỹ và Nga cùng điều hành sẽ hỗ trợ, giám sát việc tuân thủ quá trình ngừng bắn thông qua các cuộc tham vấn với các lực lượng tham chiến của Syria. Thế nhưng, Mỹ và đồng minh Châu Âu vẫn giữ nguyên định kiến về những cuộc không kích của Nga tại Syria cũng như tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Vì thế, việc tìm kiếm một giải pháp chính trị và thiết lập một chính phủ tạm thời tại Syria vẫn sẽ là một bài toán khó được đặt ra tại hội nghị hòa bình cho Syria dự kiến diễn ra tại Geneve (Thụy Sĩ) vào cuối tháng 2 này.
"Hãy biến lời nói thành hành động" là lời kêu gọi được nhắc tới nhiều nhất những ngày qua sau khi các cường quốc và các bên liên quan tại Syria nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn. Một cam kết như vậy có thể giúp nối lại tiến trình chính trị khi đàm phán gián tiếp giữa chính phủ và phe đối lập Syria đã bị ngưng trệ. Song, việc hiện thực hóa thỏa thuận mới là vấn đề quan trọng khi tiềm ẩn nhiều nguy cơ không chắc chắn xuất phát từ bất đồng lợi ích giữa các bên.
Cuộc nội chiến tại Syria bắt đầu từ năm 2011 và đã cướp đi sinh mạng của khoảng 250.000 người và khiến nhiều triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa. Trong một nghiên cứu vừa công bố của Viện nghiên cứu chính sách Syria, con số người tử vong do cuộc nội chiến tại nước này có thể lên đến gần 500.000 người - tức khoảng 11,5 % dân số Syria. Vì vậy, đàm phán hòa bình là niềm hy vọng của người dân quốc gia Trung Đông đang mong đợi một tương lai tốt đẹp hơn.