Đàm phán hòa bình cho Syria liệu có lại chết yểu?

07:32, 23/03/2016

Vòng đàm phán hòa bình Syria do Liên Hợp Quốc bảo trợ giữa chính quyền của Tổng thống al-Assad và phe đối lập diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ đã bước sang tuần thứ 2, tuy nhiên có vẻ các bên vẫn chưa thể thu hẹp được bất đồng nhằm tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua tại nước này.

Theo các nhà quan sát, tồn tại lớn nhất hiện vẫn là tương lai của ông Assad cũng như quá trình giám sát thực thi lệnh ngừng bắn và quá trình chuyển tiếp chính trị tại Syria.

 

Chưa phải lúc đặt tương lai chính trị của ông Assad lên bàn đàm phán.

 

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura ngày 21/3 khẳng định, chuyển tiếp chính trị phải là một phần trong các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra. Tuy nhiên, trưởng đoàn đàm phán của chính quyền Syria là ông Bashar al-Jaafari thì lại cho rằng còn quá sớm để nói đến vấn đề này.

 

Ông Jaafari cũng bác bỏ tất cả các yêu sách của phe đối lập, theo đó Tổng thống al-Assad sẽ không còn đóng vai trò gì trong chính phủ mới và cho rằng tương lai của ông Assad và quá trình chuyển tiếp chính trị là “2 vấn đề riêng biệt”.

 

Cũng theo ông Jaafari, chính quyền Damascus cam kết theo đuổi tiến trình hòa bình và tham gia một cách nghiêm túc trong các cuộc đàm phán về vấn đề này.

 

Ngược lại, phe đối lập Syria vẫn khăng khăng bảo lưu quan điểm đòi ông Assad phải từ chức và coi đó là một nội dung quan trọng của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào được đưa ra tại các cuộc đàm phán tại Geneva.

 

Một thành viên của Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) của phe đối lập là Yahya Kodmadi ngày 20/3 cho rằng, chính quyền Damascus vẫn “khăng khăng cố chấp” đồng thời bày tỏ hy vọng Nga sẽ sử dụng quyền hạn của mình để gây áp lực buộc chính quyền Assad tiến hành các cuộc "đàm phán nghiêm túc".

 

Cho đến nay, số phận chính trị của Tổng thống al-Assad vẫn đang là một trở ngại chính trong các cuộc đàm phán tại Geneva nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đang tàn phá đất nước Syria, khiến hơn 270.000 người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải dời bỏ quê hương đi lánh nạn.

 

Tình hình tại Syria được cho là còn phức tạp hơn khi mới đây người đứng đầu phong trào du kích Hezbollah ở Lebanon - một đồng minh của chính quyền Damascus - tuyên bố, các tay súng của mình sẽ tiếp tục chiến đấu cùng với chế độ Assad cho đến khi các chiến binh thánh chiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) bị đánh bại.

 

"Tất cả những thông tin cho rằng chúng tôi rút khỏi Syria là sai", lãnh đạo Hezbollah, Hassan Nasrallah nói với kênh Al-Mayadeen (Lebanon) hôm 21/3. "Chúng tôi đến Syria để giúp đất nước này không rơi vào tay của IS và al-Nusra Front. Vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục có mặt ở đó cho đến khi các tổ chức này bị đánh bại".

 

Nga cảnh báo sẽ tấn công những kẻ phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn

 

Ngày 21/3, Moscow đã cảnh báo sẽ “đơn phương hành động” để chấm dứt các hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn tại Syria - do Nga và Mỹ đồng bảo trợ - trừ phi Moscow và Washington khẩn trương đạt được một thỏa thuận nhằm giám sát tiến trình ngừng bắn này.

 

Nga đã lên tiếng chỉ trích Mỹ chậm trễ trong việc thảo luận về đề xuất của Moscow nhằm xây dựng quy tắc trong việc giám sát lệnh ngừng bắn Syria cũng như đưa ra những phản ứng đối với các hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn này. Phía Nga cho rằng, sự chậm trễ của Mỹ đã dẫn đến những thương vong cho dân thường.

 

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nga cho rằng sự chậm trễ trong việc thống nhất quy tắc nhằm ứng phó với những hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn tại Syria là “không thể chấp nhận được”.

 

Trung tướng Sergei Rudskoi - Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Nga cho biết trong một tuyên bố hôm 21/3 rằng, nếu Mỹ không chấp nhận đề nghị của Nga, quân đội Nga sẽ bắt đầu đơn phương sử dụng vũ lực chống lại những kẻ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn - thời hạn bắt đầu từ 22/3.

 

Cũng theo ông Rudskoi, Nga sẽ sử dụng vũ lực “sau khi nhận được những bằng chứng đáng tin cậy về hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn một cách có hệ thống của các nhóm vũ trang”.

 

Nga đã rút phần lớn lực lượng quân sự của mình khỏi Syria từ hôm 15/3 sau khi lệnh ngừng bắn tại Syria có hiệu lực, tuy vậy Nga vẫn tiếp tục duy trì một lực lượng binh sĩ và khí tài quân sự tại nước này.

 

Đáp lại tuyên bố này của Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói rằng, Mỹ và Nga vẫn đang làm việc với nhau để thu thập và phân tích thông tin về các hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn, đồng thời cho rằng bất kỳ hành động đơn phương nào của Nga để trừng phạt những kẻ vi phạm đi ngược lại "tinh thần của việc chấm dứt chiến sự".

 

"Chúng tôi hy vọng rằng Nga sẽ kiềm chế các hành động đơn phương", ông Kirby nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, lệnh ngừng bắn vẫn đang trong tầm kiểm soát, mặc dù có một số hành vi vi phạm, AP dẫn lời ông Kirby.

 

Trước đó hôm 17/3, Tổng thống Putin đã cảnh báo, dù rút quân khỏi Syria nhưng “chỉ trong vài giờ Nga có thể triển khai quân trở lại” quốc gia Trung Đông này.

 

“Nếu cần thiết, chỉ trong vòng vài giờ, Nga hoàn toàn có thể tăng cường quân số của mình trong khu vực với số lượng phù hợp với những diễn biến diễn ra trên thực địa và sử dụng toàn bộ số vũ khí và trang thiết bị mà chúng tôi có”, ông Putin nói./.