6.000 trẻ tị nạn mất tích tại Đức trong năm 2015 hiện ở đâu?

19:03, 14/04/2016

Những số liệu thống kê của Bộ Nội vụ Đức làm dấy lên nỗi lo ngại rằng những trẻ em di cư sang châu Âu sẽ biến thành mồi ngon cho tội phạm.

Bộ Nội vụ Đức cho hay gần 6.000 trẻ tị nạn và trẻ vị thành niên đã bị báo cáo là mất tích tại Đức trong năm 2015 trong bối cảnh những kẻ buôn người và tội phạm ráo riết “săn hàng” từ dòng thác người di cư ồ ạt vào châu Âu.

 

Vẫn chưa rõ quy mô chính xác của cuộc khủng hoảng này. Hệ thống đăng ký của châu Âu còn thô sơ và bị quá tải nên không có một bức tranh rõ ràng về số lượng trẻ em đã tới biên giới các nước châu Âu cũng như sự khó khăn trong việc theo dõi chặt chẽ hành trình của các em.

 

Một số em có thể đã không đăng ký do lo sợ giới chức sẽ nhốt mình. Số khác có thể đã đoàn tụ được với gia đình và không báo lại cho các quan chức địa phương. Người ta ít nghi ngờ số còn lại đã rơi vào tay của những kẻ buôn người và hàng ngày các em khác cũng đối mặt với nguy cơ bị bọn tội phạm làm hại.

 

Con số 6.000 trẻ em mất tích – phần nổi của tảng băng trôi

 

EU ước tính “ít nhất 10.000 trẻ em tị nạn biến mất” sau khi đến châu Âu. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của UNICEF cảnh báo rằng “nhiều khả năng người ta đã đánh giá thấp” con số trên.

 

Theo bà Sarah Crowe, người phát ngôn toàn cầu của UNICEF về người tị nạn và nhập cư tại châu Âu cho rằng người ta không quan tâm tới trẻ tị nạn và đây chính là nguyên nhân khiến các em đã bị tổn thương. Theo bà, các nước cần biết ai đang ở trong nước mình và chăm sóc cho đối tượng đó.

 

Bộ Nội vụ Đức cũng thừa nhận ước tính của họ có thể là quá thấp. Giới chức đang rất nghiêm túc đối với vấn đề này. Tuy nhiên, rất khó theo sát các trường hợp này do thiếu bộ dữ liệu tập trung – phát ngôn viên Johannes Dimroth cho hay.

 

Theo Bộ này, đa phần các trẻ em được xác định mất tích đến từ Syria, Afghanistan, Eritrea, Morocco và Algeria. Trong số đó có khoảng 550 trẻ dưới 14 tuổi.

 

Nguyên nhân khiến vấn nạn ngày càng nghiêm trọng

 

Theo bà Crowe ước tính năm 2015 có 95.000 trẻ em không có người lớn đi kèm hoặc bị tách khỏi gia đình đã tìm cách xin tị nạn tại EU, phần lớn ở Đức và Thụy Điển.

 

Người ta cho rằng ít nhất 2.000 trẻ em không có người lớn đi kèm thì đã bị mắc kẹt ở Hy Lạp. Một số em phải ngủ trên đường phố sau khi con đường bộ để đi về Tây Âu bị đóng lại.

 

“Tất nhiên, những đứa trẻ không có người lớn đi kèm có nhiều nguy cơ bị những kẻ buôn người làm hại hơn. Trong quãng đường di cư, các em không biết tiếng để giao tiếp, không tiếp cận được thông tin cần thiết và sẽ thành mồi ngon cho bọn buôn người”, bà Crowe cho biết thêm.

 

Cuối tháng Ba, một nhóm các nước thuộc Nghị viện châu Âu đã lên tiếng cảnh báo chính phủ các nước châu Âu rằng trẻ em tị nạn không được bảo vệ và có nguy cơ trở thành nạn nhân của những băng nhóm tội phạm xuyên châu Âu - những kẻ có thể lợi dụng trẻ em hành nghề mại dâm, làm nô lệ, tham gia buôn bán ma túy hoặc để lấy nội tạng.

 

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Đức cho biết chính phủ nước họ không có bằng chứng cho thấy những trẻ tị nạn ở Đức đang bị lợi dụng.

 

Nhưng các chuyên gia của UNICEF cho biết một thách thức lớn cần đối mặt là chính quyền các nước có quá ít thông tin về những kẻ xấu muốn lợi dụng trẻ tị nạn cũng như nơi các em này bị đưa tới.

 

UNICEF lên tiếng

 

“Chúng tôi biết có hàng nghìn, hàng nghìn trẻ em mất tích mà không ai hay biết và điều tồi tệ hơn cả là chúng tôi không biết rằng chúng ở đâu hoặc có chuyện gì đã xảy ra với chúng, không có bất cứ một thông tin nào là điều chúng tôi lo sợ nhất:, Phó Giám đốc điều hành UNICEF tại Anh, bà Lily Caprani nói.

 

Bà cho biết các đường dây buôn người hiện nay thường ép các em thành nô lệ tình dục, nô lệ phục dịch trong nhà hoặc phải tham gia đường dây buôn ma túy. Tuy nhiên bà nói, quy mô cuộc khủng hoảng người tị nạn có thể làm biển đổi mạng lưới tội phạm.

 

Theo bà Caprani, khủng hoảng tị nạn châu Âu tạo cơ hội cho bọn buôn người thay đổi hiện trạng tội phạm hiện nay và bày ra các phương thức tội phạm mới.

Trách nhiệm giải quyết nạn buôn người phải được chia sẻ trên khắp châu Âu, bởi ngay cả các nước không có lượng lớn người tị nạn cũng có thể là điểm đến của những trẻ em bị mắc kẹt do mạng lưới tội phạm ở những quốc gia khác.

 

“Mặc dù chúng ta không chứng kiến cảnh hàng ngàn người tị nạn đặt chân lên đất Anh, nhưng chắc chắn một điều rằng chúng ta cần giải quyết vấn đề trẻ em bị buôn bán tại Vương quốc Anh”.

 

Ngoài ra người ta cũng quan ngại sâu sắc rằng trẻ em có thể bị chết trên biển. Nếu đóng cửa tuyến đường chạy qua Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp thì điều này đồng nghĩa với việc con đường buôn bán người chuyển hướng sang những tuyến đường nguy hiểm hơn, chẳng hạn như từ Libya tới Italy.

 

“Các thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ khiến người ra chuyển dần sang sử dụng các tuyến đường khác nguy hiểm hơn,… Rất nhiều trẻ em bị chết đuối tại Aegean vào mùa hè. Và tất nhiên ở Địa Trung Hải thậm chí còn nguy hiểm hơn bởi vì đó là vùng biển rộng lớn hơn”, bà Crowe nói.

 

Các số liệu của Đức xuất hiện ngay sau khi một nhân viên Chữ thập Đỏ giúp mang lại cái kết có hậu cho số phận một em bé thất lạc.

 

Nhân viên Rani Hijazi đã tìm thấy cậu bé 10 tuổi đến từ Afghanistan sau nhiều tháng tìm kiếm và sắp xếp cho cậu bé đoàn tụ với cha mẹ và anh chị em của mình. Họ đã lạc nhau trên hành trình từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp, những thành viên còn lại của gia đình đã sang Đức, nghĩ rằng con trai mình mất tích trên biển nên họ đã để tang cho cậu bé./.