Cựu Tổng Bí thư Đảng PT cầm quyền Silvio Pereira đã bị bắt giữ để điều tra do có liên quan đến vụ bê bối tham nhũng ở Tập đoàn dầu khí Petrobas.
Đây là diễn biến mới nhất trong vụ tham nhũng chấn động tại Brazil, làm lung lay vị thế của Tổng thống Dilma Rousseff. Các Công tố viên đã thực hiện 12 lệnh bắt giam tại Sao Paulo, bắt đầu giai đoạn mới của quá trình điều tra vụ Petrobas.
Nguyên thủ quỹ Đảng PT cầm quyền Delubio Soares, người đang bị bắt giam trong tù vì liên quan tới vụ tham nhũng khác trong nhiệm kỳ đầu của cựu Tổng thống Lula da Silva (2003-2010), cũng bị thẩm vấn do liên quan tới vụ Petrobas.
Nhiều doanh nhân cũng đã bị bắt trong đợt điều tra mới này, trong đó có tỷ phú Joseph Safra, cựu Chủ tịch Ngân hàng Safra vì bị nghi ngờ có liên quan đến đường dây hối lộ các quan chức thuế. Tổng Biên tập tờ Gran ABC, Ronan Maria Pinto, cũng bị bắt giữ để phục vụ công tác điều tra.
Tính đến nay, đã có hơn 100 cá nhân chính thức bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng trong vụ bê bối này, trong đó có hàng chục lãnh đạo các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sĩ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra.
Trước đó, cùng ngày, Tòa án Tối cao Brazil đã quyết định điều tra về tham nhũng đối với cựu Tổng thống Lula da Silva, người tiền nhiệm và là cố vấn của Tổng thống Rousseff. Ông Lula da Silva bị nghi ngờ nhận lót tay từ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobas.
Khủng hoảng chính trị tại Brazil đang gây ra những hệ lụy không nhỏ. Theo thống kê, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2015 của Brazil suy giảm 3,8%, mức tệ hại nhất 25 năm qua, hàng triệu dân bị đe dọa rơi vào cảnh bần cùng khi lạm phát lên đến 10%.
Hãng xếp hạng tín dụng Credit Suisse dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Brazil trong năm 2016, 2017 sẽ lần lượt là -3,5% và -0,5%. Đây sẽ là lần đầu tiên nền kinh tế nước này suy giảm 3 năm liên tiếp kể từ năm 1901.
Chính vì thế, ông Claudio Couto, một nhà phân tích chính trị tại Getulio Vargas Foundation nhận định, trong thời gian tới Brazil sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.
"Tôi nghĩ rằng, khủng hoảng chính trị tại Brazil đang làm cho đất nước bị rối loạn. Nếu Chính phủ của bà Rousseff buộc phải ra đi thì một chính phủ mới cũng không thể giải quyết được tình hình trước mắt. Thậm chí, điều này còn gây mất ổn định cho nền kinh tế Brazil trong thời gian tới”.
Theo nhà phân tích này, tình trạng chia năm sẻ bảy trên chính trường Brazil sẽ khiến nước này không tìm ra lối thoát. Liên minh cầm quyền, thậm chí ngay trong nội bộ Đảng PT, có lợi ích chính trị khác nhau.
Trong khi đó, phe đối lập cánh hữu đổ thêm dầu vào lửa mà không thể đưa ra bất kỳ giải pháp nào để đưa đất nước thoát khỏi bế tắc. Bởi thế, một tương lai ảm đạm đang chờ đón Brazil trong thời gian tới./.