Liên Hợp Quốc lần đầu chất vấn các ứng viên cho chức Tổng thư ký

17:47, 13/04/2016

Ngày 12-4, các ứng cử viên cho vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lần đầu tiên phát biểu và trả lời chất vấn về hàng loạt các vấn đề trên toàn cầu.

Việc mở phiên chất vấn kéo dài 3 ngày này đã phá bỏ những tiền lệ về sự kín đáo của quá trình lựa chọn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc trong lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của cơ quan này.

 

Hàng chục năm qua, việc lựa chọn Tổng thư ký vốn nằm trong tay của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó quyền quyết định chủ yếu thuộc về 5 nước Ủy viên thường trực là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ.

 

Tuy nhiên, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm ngoái đã bỏ phiếu thông qua việc thay đổi tiến trình này, trong đó yêu cầu các ứng viên nộp một đơn ứng cử chính thức cùng với hồ sơ lý lịch đi kèm và phải chuẩn bị trả lời chất vấn của cơ quan này.

 

Quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Hội đồng Bảo an nhưng sự cởi mở minh bạch này phần nào tạo áp lực lên những nước lớn, buộc họ phải lựa chọn ứng viên thuyết phục hơn cả đối với số đông các nước thành viên Liên Hợp Quốc. Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc Mogens Lykketoft tin rằng, đây là một thay đổi mang tính bước ngoặt của thể chế toàn cầu này.

 

Trong số 9 ứng viên cho vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Montenegro Igor Luksic là người trẻ nhất, 39 tuổi, và cũng là một trong số 3 người đầu tiên trả lời chất vấn Đại Hội đồng 193 nước thành viên. Các ứng viên sẽ phải đưa ra tầm nhìn chiến lược nếu trở thành người kế nhiệm ông Ban Ki-moon từ ngày 1-1-2017.

 

Trong bài phát biểu của mình trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm qua, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) Irina Bokova, một trong những ứng viên tiềm năng nhất, đã kêu gọi tăng cường hành động để ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ, đồng thời nhấn mạnh vào tầm quan trọng của bình đẳng giới.

 

Cựu Ngoại trưởng Bulgaria Irina Bokova nhận được nhiều sự kỳ vọng trở thành nữ Tổng thư ký đầu tiên của Liên Hợp Quốc khi là ứng viên mà Nga ủng hộ bởi Moscow luôn cho rằng vị trí người đứng đầu tiếp theo của cơ quan quan trọng nhất thế giới này nên thuộc về một quan chức Đông Âu.

 

Các ứng viên còn lại sẽ trả lời chất vấn trong tuần này là cựu Tổng thống Danilo Turk, cựu Ngoại trưởng Croatia Vesna Pusic, cựu Ngoại trưởng Moldova Natalia Gherman, cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark, cựu Ngoại trưởng Macedonia Srgjan Kerim và cựu Ngoại trưởng Serbia Vuk Jeremic.

 

Sẽ có thêm những ứng cử viên dự kiến tham gia cuộc tranh cử này, trong đó có 2 người phụ nữ tiềm năng nhất là Ủy viên Liên minh châu Âu người Bulgaria Kristalina Georgieva và Ngoại trưởng Argentina Susana Malcorra.

 

Cuộc đua giành chiếc ghế Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ bước vào giai đoạn quyết liệt từ tháng 7 tới khi Hội đồng Bảo an họp bàn về vấn đề này. Cuộc bỏ phiếu cuối cùng mang tính quyết định sẽ diễn ra vào tháng 9 khi 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an thống nhất đề cử một ứng viên lên Đại hội đồng thông qua./.