OECD cảnh báo kịch bản Anh rời khỏi Liên minh châu Âu

09:13, 03/06/2016

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo kịch bản Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) – hay còn được gọi là Brexit, sẽ để lại tác động tiêu cực ở phạm vi toàn cầu hôm 1-6

Theo dự báo mới nhất của OECD, nền kinh tế Anh sẽ phải đối mặt với “một cú sốc lớn” nếu rời khỏi EU. Tính đến năm 2020, kịch bản Brexit sẽ khiến GDP của Anh bị sụt giảm tối thiểu 3% so với việc nền kinh tế này tiếp tục ở lại EU. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên tới 5% vào năm 2030. Kịch bản Brexit cũng khiến GDP của khu vực thấp hơn 1% so với việc Anh tiếp tục ở lại EU. Nghiêm trọng hơn là những hậu quả của kịch bản Brexit sẽ không chỉ bó hẹp trong phạm vi nước Anh hay thậm chí là khu vực EU mà còn lan ra toàn thế giới.

 

Cụ thể, OECD chỉ ra rằng, kịch bản Brexit sẽ khiến tốc độ mở rộng thương mại bị sụt giảm, sự năng động và tính hiệu quả của nền kinh tế Anh sẽ bị tác động trong dài hạn, chưa kể tới việc nền kinh tế này phải đối mặt với những rào cản mới sau khi rời khỏi EU.

 

Theo tính toán của tổ chức tư vấn kinh tế có trụ sở tại Paris này thì một số thành viên EU gồm Luxembourg, Hà Lan và đặc biệt là Ireland sẽ có nguy cơ phải đối mặt với nhiều rủi ro nhất khi kịch bản Brexit thành hiện thực. Các nước khác gồm Áo, Bỉ, Đan Mạch, Đức, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Thụy Điển sẽ bị tác động ở mức độ vừa phải trong khi các nước gồm CH Séc, Estonia, Italy, Hungary, Ba Lan…sẽ bị ảnh hưởng ít nhất bởi sự kiện này.

 

Nhà kinh tế trưởng của OECD Catherine Mann cảnh báo, Brexit sẽ không chỉ để lại hậu quả đối với nền kinh tế Anh mà còn đối với nhiều nước khác trên thế giới. Chuyên gia này cho biết, OECD đã “nỗ lực rất nhiều” để giảm thiểu hậu quả của nguy cơ hạ cánh cứng tại Trung Quốc và điều tương tự cũng đang diễn ra đối với kịch bản Brexit. “Cuộc trưng cầu dân ý về quy chế tương lai của Anh trong EU sắp diễn ra đã làm phát sinh những nguy cơ bất ổn và kịch bản Brexit sẽ làm suy giảm sâu tốc độ tăng trưởng của châu Âu cũng như những khu vực khác” - bà Mann nói.

 

Dự báo mới nhất này của OECD đang được những người theo chủ trương ủng hộ Anh ở lại EU xem là một “bằng chứng” cho thấy những tác động tiêu cực của kịch bản Brexit để thu hút ý kiến ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 23-6 tới. Tuy nhiên, những người thuộc phe Brexit lại đưa ra những lập luận ngược lại và cho rằng, kết quả đánh giá của OECD là một “sai lầm”.

 

Hiện người dân Anh đang đếm ngược thời gian để chờ đợi ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử về tương lai của đất nước sẽ diễn ra vào ngày 23/6 tới. Dự kiến, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý này sẽ được công bố vào ngày 24/6 tới và có khả năng ứng cử viên Tổng thống Mỹ tiềm năng Donald Trump sẽ có mặt tại Anh để chứng kiến thời khắc quan trọng này./