Quan hệ thụt lùi, căng thẳng gia tăng

07:55, 13/10/2016

Mối quan hệ vốn gần như đóng băng giữa Nga và phương Tây thời gian qua lại vừa nhận thêm một tín hiệu xấu khi ông chủ Điện Kremlin Vladimir Putin quyết định hủy chuyến thăm Pháp, dự kiến diễn ra ngày 19-10 tới. Động thái này sẽ khiến cơ hội để hai phía đối thoại sau một loạt căng thẳng ngày càng trở nên khó khăn.

Nguyên nhân dẫn đến quyết định hủy chuyến thăm là do Tổng thống Pháp Francois Hollande thông báo chỉ muốn tham dự cùng người đồng cấp Nga một sự kiện duy nhất tại Paris là cuộc gặp bàn về tình hình Syria. Nhiều ý kiến cho rằng, giới chức Pháp đang tìm cách gây áp lực với Nga sau khi Mátxcơva phản đối dự thảo nghị quyết về Syria do Paris trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBALHQ), trong đó yêu cầu đặt ra một vùng cấm bay ở Aleppo. Đây là điều rất khó chấp nhận với Nga, vốn đang hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Theo quan điểm của Mátxcơva, vùng cấm bay chỉ nhằm mục đích bảo vệ các nhóm khủng bố và những kẻ cực đoan chống lại nhân dân Syria. Xứ sở Bạch dương cũng không muốn lặp lại kịch bản như đã xảy ra tại Libya khiến nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi thiệt mạng.

 

Trên thực tế, quyết định được ông chủ Điện Elysee đưa ra cũng không bất ngờ. Ngay sau khi lệnh ngừng bắn do Mỹ và Nga bảo trợ tại Syria đổ vỡ, quan hệ giữa Nga với các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó có Pháp, đã ngay lập tức leo thang căng thẳng. Cách đây ít ngày, Pháp còn muốn giới công tố Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) mở cuộc điều tra Nga và Chính phủ Tổng thống Syria B.Al-Assad với cáo buộc gây tội ác chiến tranh ở miền Đông Aleppo. Bên cạnh đó, các quyết định tăng cường điều động quân sự ở biên giới giữa Nga và NATO cho thấy mối quan hệ giữa hai bên đang xấu đi. Gần đây nhất, ngày 11-10, soái hạm USS Mount Whitney, thuộc hạm đội 6 của Mỹ đã có mặt tại biển Đen để chuẩn bị tập trận chung với các đồng minh NATO tại vùng biển này. Ngay lập tức, hải quân Nga tuyên bố sẵn sàng cử một tàu trinh sát giám sát chặt chẽ sự di chuyển của con tàu nếu tàu Mỹ tiếp cận bờ biển Nga.

 

Trong khi đó, tại Syria, giao tranh giữa các bên vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Quân Chính phủ nước này giành được nhiều ưu thế. Máy bay Nga cũng nhiều lần dội “mưa đạn” xuống vị trí của lực lượng nổi dậy do Mỹ và các đồng minh hậu thuẫn khiến phương Tây vô cùng lo ngại. Ngày 12-10, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã thông qua thỏa thuận triển khai thường trực một nhóm không quân của nước này tại Syria. Thỏa thuận trên được ký giữa Mátxcơva và Damascus, cho phép Nga thiết lập căn cứ không quân Hmeimim nhằm tiến hành chiến dịch hỗ trợ các lực lượng của Tổng thống Syria B.Al-Assad. Quân nhân Nga sẽ được hưởng quyền miễn truy tố giống như quyền miễn trừ được quy định trong Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao. Các binh sĩ Nga cũng sẽ không bị kiểm tra hải quan khi nhập cảnh Syria. Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho quân đội Nga khi hỗ trợ Damascus trong những trận chiến mang tính quyết định sắp tới.

 

Thực tế, từ khi nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi bị hạ sát bằng một cuộc lật đổ, các nước lớn đều "lên đường đến Damascus". Từ Chiến tranh Lạnh đến nay, Mỹ và các nước phương Tây luôn coi Syria là nước đối địch trong tính toán chiến lược ở khu vực vì Damascus có quan hệ chiến lược và chính trị gần gũi với Nga. Mối quan hệ khá hữu hảo giữa chính quyền Syria và Iran tạo ra sự thù địch không ngừng đối với Israel - một đồng minh của Mỹ. Trong khi đó, Nga đã có những đầu tư chiến lược đáng kể ở Syria. Về phương diện quân sự, quốc gia Trung Đông mang lại vị thế cho Nga ở khu vực thông qua việc tạo thế đứng cho hải quân Nga ở Địa Trung Hải.

 

Trong bối cảnh như hiện nay, nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm ít có khả năng Nga sẽ nhún nhường với Mỹ và phương Tây trong cuộc chiến tại Syria - quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng trong chiến lược của xứ sở Bạch dương ở Trung Đông. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho rằng, suốt một thời gian dài Mátxcơva đã thể hiện "sự kiên nhẫn chiến lược" trong quan hệ với phương Tây, nhưng giờ đây nhiều hành động thù địch đã động chạm tới lợi ích quốc gia Nga. Do vậy, sự thụt lùi trong quan hệ giữa Pháp và Nga một lần nữa phản ánh sự xa cách giữa hai bên, điều khiến cộng đồng quốc tế quan ngại về khả năng các bên sẽ đẩy mạnh những hành động đối đầu trong thời gian sắp tới.