Quan hệ NATO - Nga: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

11:28, 02/11/2016

680 binh sĩ từ 32 quốc gia của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng nhiều nước đối tác, gồm: Georgia, Albania, Israel và Ukraine đã bắt đầu một loạt cuộc tập trận chung mang tên Crna Gora (tên gọi của Cộng hòa Montenegro) năm 2016. Trong vòng 5 ngày, lực lượng đa quốc gia này sẽ tham gia một số kịch bản mô phỏng khác nhau, từ ứng phó với thiên tai đến giải quyết sự cố tràn hóa chất.

Trước diễn biến mới nêu trên, Đại sứ Nga tại NATO Alexander Grushko cho rằng, việc tập trung quân đội của NATO gần lãnh thổ Nga dù là vì mục đích gì đều có thể gây tác động tiêu cực đến tình hình an ninh chung trong khu vực. Đặc biệt, khi địa điểm tập trận lại là ở Montenegro - quốc gia đã chính thức gia nhập liên minh từ tháng 12-2015 - bất chấp những phản đối từ Mátxcơva.

 

Về phần mình, Nga cũng cho biết sẽ tổ chức diễn tập ở Serbia với sự góp mặt của 150 lính nhảy dù từ tiểu đoàn trinh sát của Sư đoàn Ivanovo. Lực lượng này hiện đã đến Belgrade để tham gia vào cuộc tập trận Slav Brotherhood 2016 giữa quân đội Nga và các lực lượng Serbia, Belarus từ ngày 2 đến 15-11. Thực tế, Serbia và Montenegro từng là một quốc gia thống nhất từ năm 2003 đến năm 2006 và là đồng minh truyền thống của Nga.

 

Kể từ khi tách ra vào năm 2006 đến nay, Montenegro được cho là theo đuổi chính sách thân phương Tây, trong khi Serbia vẫn "đứng giữa hai dòng nước". Tuy nhiên, với tư cách là đối tác của NATO, Serbia cũng đã tổ chức các cuộc tập trận với phương Tây nhưng quy mô không lớn và không có sự tham gia của binh sĩ nước ngoài hay cho phép lắp đặt các trang thiết bị quân sự trên lãnh thổ nước này. Điều này đủ để khiến Nga không khỏi lo ngại.

 

Thực tế, dù căng thẳng giữa Nga và phương Tây đã leo thang kể từ sau sự kiện Mátxcơva sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, ngày càng có những diễn biến mới khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Ngoài các hoạt động tập trận với tần suất ngày càng dày, những động thái có phần thiếu thân thiện khác cũng “đổ dầu vào lửa”.

 

Cuối tháng 10, dưới sức ép của NATO, Tây Ban Nha đã từ chối đội tàu của Nga nghỉ chân, tiếp nhiên liệu ở cảng Ceuta của nước này. Chỉ vài ngày sau, những thông tin về một chiếc tàu ngầm của Nga tại biển Iceland bất ngờ xuất hiện sau khi một đội tàu chiến cùng các máy bay chiến đấu, trong đó có cả tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đi ngang qua eo biển Anh để tới Syria, khiến đảo quốc Sương mù phải báo động quân đội khẩn cấp.

 

Có thể thấy, căng thẳng trong mối quan hệ Đông - Tây tăng lên đáng kể từ sau khi các thành viên NATO nêu kế hoạch triển khai khoảng 4.000 binh sĩ tới gần biên giới với Nga và trong trường hợp cần thiết sẽ kết nối lực lượng phản ứng nhanh với lực lượng tăng cường lên tới 40.000 lính. Trong đó, sự hỗ trợ của các đơn vị từ Pháp, Đan Mạch, đồng thời Anh cũng sẽ điều tới Estonia 800 binh sĩ với đầy đủ trang thiết bị quân sự.

 

Lần đầu tiên kể từ sau sự sụp đổ của chế độ Quốc xã, Đức cũng cam kết gửi quân đến khu vực giáp giới Nga; Mỹ cũng sẽ đưa 330 lính đến Na Uy - nước chưa từng tham gia vào những sự kiện tương tự kể cả trong những thời điểm căng thẳng nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh. Những quyết định này khiến NATO chịu nhiều chỉ trích từ Nga về việc đang gây bất ổn tại Châu Âu, cho dù Tổng Thư ký Jens Stoltenberg đã lên tiếng khẳng định rằng liên minh quân sự này không muốn bị cuốn vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Mátxcơva.

 

Nhiều chuyên gia cho rằng, căng thẳng hiện nay giữa Nga và NATO thậm chí còn nguy hiểm hơn cả những gì đã xảy ra giữa Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh do thiếu đi yếu tố cân bằng lực lượng cũng như những kênh kết nối đàm phán trực tiếp giữa hai bên. Việc chưa có những kênh đối thoại hiệu quả đã khiến hai bên lúng túng trong việc nắm bắt tín hiệu của nhau.

 

Đại sứ Anh tại NATO Adam Thomson nhận định, Nga đang theo đuổi những chiến lược và hành động rất mới mẻ. Do đó, việc nắm bắt được thông điệp nước này đưa ra sau mỗi động thái mới cũng trở nên khó khăn hơn. Như thế, nếu không nhanh chóng tìm được cơ chế chung, mối quan hệ đang có xu hướng đối đầu mạnh mẽ giữa Nga và phương Tây, kèm theo những hoạt động mang tính phản ứng từ hai phía sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, tác động tiêu cực tới nền hòa bình thế giới.