Vậy là cuối cùng cuộc bầu cử tổng thống kỳ lạ, gây chia rẽ và tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ cũng đã kết thúc với chiến thắng thuộc về ông Donald Trump - nhà tỷ phú trong ngành địa ốc. Nước Mỹ đã tìm ra được người chủ của Nhà Trắng trong 4 năm tới, Tổng thống thứ 45 trong lịch sử của mình, là một doanh nhân.
Chứng kiến quá trình tranh cử khốc liệt đầy tranh cãi giữa ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump vừa qua, người ta có thể đi tới kết luận: Trong một cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, mọi việc đều có thể xảy ra!
Một người là phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ ứng cử Tổng thống; người kia là một doanh nhân, ông chủ của những chương trình truyền hình thực tế và các cuộc thi sắc đẹp. Một người có kinh nghiệm dạn dày trong các lĩnh vực đối ngoại vì đã từng làm Ngoại trưởng trong chính quyền, còn người kia có kinh nghiệm đáng nể trên thương trường (cũng không khác gì chiến trường!), xây dựng nên một đế chế kinh tế tài chính mang tên mình. Một người coi hầu hết giới truyền thông là kẻ thù, trong khi người kia thì cũng đôi phen lao đao bởi những bới móc của truyền thông Mỹ!
Khi công bố ra tranh cử Tổng thống, bà Hillary Clinton nhận được sự hậu thuẫn lớn không chỉ từ những yếu nhân trong chính quyền, đặc biệt là vợ chồng Tổng thống đương nhiệm B.Obama. Hơn thế nữa, bà Hillary Clinton còn có một ưu thế cực lớn là được thừa hưởng di sản của chính quyền Tổng thống B.Obama, với những thành tựu đối ngoại nổi bật (tái lập quan hệ với Cu ba, đạt được thỏa thuận về hồ sơ hạt nhân gây tranh cãi với Iran, rút chân ra khỏi hai cuộc chiến tranh ở Irắc và Ápganixtan...) và những dấu hiệu khởi sắc về kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, những vụ việc thời kỳ bà Hillary Clinton còn làm Ngoại trưởng như vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở Libi, đặc biệt là việc sử dụng địa chỉ thư điện tử riêng để xử lý việc công, cũng khiến cho nữ ứng cử viên Dân chủ mất điểm trong con mắt của một bộ phận cử tri Mỹ.
Xuất phát điểm gần như từ con số không về kinh nghiệm hoạt động chính trị, tỷ phú địa ốc Donald Trump tưởng chừng sẽ bị loại ở “vòng gửi xe” khi tuyên bố ra ứng cử Tổng thống Mỹ. Nhưng rồi ông Donald Trump đã vượt qua được các đối thủ trong đảng ở vòng đấu sơ bộ một cách ngoạn mục để bước vào cuộc “song đấu” khốc liệt với ứng cử viên Dân chủ.
Những phát ngôn gây sốc, những vụ việc liên quan đến các hành vi ứng xử trong quá khứ bị đào bới lại khiến ông Donald Trump phần nào bị mất thiện cảm của một bộ phận cử tri Mỹ. Nhưng vượt qua tất cả, ông Donald Trump lại giành được sự ủng hộ to lớn từ những cử tri lo sợ mất việc làm, muốn đưa nước Mỹ quay trở lại “chủ nghĩa biệt lập”, hạn chế người nhập cư và mong muốn có sự đổi thay sau 8 năm người của đảng Dân chủ nắm giữ Nhà Trắng.
Cách thức tranh cử "phi truyền thống" của ông Donald Trump - sẵn sàng gây hấn với cả giới truyền thông, với các thành viên gạo cội ngay trong chính đảng Cộng hòa của mình, những lời nói bỗ bã... đã tạo dựng hình ảnh một ứng cử viên Donald Trump thẳng tính, không ngại nói ra điều mình nghĩ, trái ngược với hình ảnh của các chính trị gia truyền thống vốn khiến nhiều cử tri mất niềm tin.
Chính những lý do này đã khiến ông Donald Trump nhận được sự ủng hộ ngày càng tăng, bám đuổi sít sao bà Hillary Clinton trong các cuộc thăm dò dư luận ở những thời điểm trước khi diễn ra cuộc bầu cử, để rồi giành chiến thắng nghẹt thở ở phút cuối cùng.
Rồi đây sẽ có rất nhiều phân tích cũng như bình luận về nguyên nhân dẫn đến chiến thắng của ông Donald Trump trước bà Hillary Clinton. Những người ủng hộ đảng Dân chủ hẳn sẽ có lý do để giận dữ khi cho rằng, quyết định của Giám đốc FBI James Comey thông báo mở lại cuộc điều tra về các thư điện tử của bà Hillary Clinton chỉ 11 ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử, rồi sau đó chỉ công bố “giải oan” cho bà vào dịp cuối tuần (tức là vài ngày trước bầu cử) đã tác động đến lá phiếu của cử tri.
Chiến thắng của ông Donald Trump có thể coi là kỳ lạ nếu như xét theo kết quả những cuộc thăm dò dư luận diễn ra trước cuộc bầu cử, theo đó phần lớn đều nghiêng về phía bà Hillary Clinton sẽ là người chiến thắng. Tuy nhiên, những con số thăm dò dư luận không phải lúc nào cũng phản ánh đúng tỷ lệ số phiếu mà mỗi ứng cử viên sẽ nhận được khi cuộc bầu cử diễn ra. Nhìn sâu xa hơn, kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ phản ánh tâm trạng chán nản của một bộ phận cử tri Mỹ bên thùng phiếu ngày 8-11, khi họ mong muốn có một sự thay đổi nào đó trong đời sống chính trị cũng như kinh tế của nước Mỹ. Ông Donald Trump đã hưởng lợi từ tâm trạng này.
Ngồi vào Phòng Bầu dục trong ít nhất 4 năm nữa, ông Donald Trump sẽ có rất nhiều việc phải làm để thực hiện khẩu hiệu tranh cử của mình là “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại!”. Mặc dù đảng Cộng hòa tiếp tục chiếm được vị thế đa số ở cả hai viện Quốc hội Mỹ, ông Donald Trump cũng sẽ phải ứng xử khéo léo với các thành viên chủ chốt của đảng này để nhận được sự ủng hộ, bởi nhiều người trong số họ đã quay lưng với ông trong suốt quá trình tranh cử.
Về chính sách đối ngoại, ông Donald Trump cũng sẽ phải cân nhắc thiệt hơn những đường hướng chính sách mà ông từng tuyên bố mạnh mẽ trong quá trình tranh cử, như quan hệ với các đồng minh chủ chốt, với các nước siêu cường như Nga, Trung Quốc hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vấn đề người nhập cư...
Chỉ đến khi thực sự nắm "cây quyền trượng" đứng đầu một quốc gia hùng mạnh như Mỹ, ông Donald Trump mới thật sự cảm thấy gánh nặng trách nhiệm đè nặng lên đôi vai mình. Để vượt qua các thách thức mà một Tổng thống phải đối mặt, những kinh nghiệm trước đây của ông trên thương trường rõ ràng là chưa đủ.
Nước Mỹ sắp bước vào một quãng thời gian 4 năm với một tổng thống mới và một nghị trình mới, cả về đối nội lẫn đối ngoại. Trong suốt một năm qua, thế giới đã quan tâm theo dõi quá trình vận động tranh cử tổng thống của nước Mỹ với một sự quan tâm đặc biệt. Giờ là lúc thế giới sẽ quan sát những gì mà tân Tổng thống Mỹ hành động!