Các nước trên thế giới đồng loạt tắt đèn hưởng ứng Giờ trái đất 2017

08:56, 26/03/2017

Hôm qua, nhiều quốc gia trên toàn thế giới đã đồng loạt hưởng ứng sự kiện giờ trái đất bằng nhiều hoạt động thiết thực khác nhau.

Các hành động này góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức và xây dựng những thói quen lâu dài để bảo vệ hành tinh trước những thách thức của biến đổi khí hậu và môi trường.

 

Đã thành thông lệ, Australia luôn hưởng ứng Giờ Trái đất với tư cách một trong những điểm đầu tiên trên thế giới tắt đèn vì chiến dịch bảo vệ môi trường lớn nhất này. Trong vòng 1 giờ, Nhà hát Con Sò (Opera House), Cầu cảng Sydney và rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác ở Ôxtrâylia đã tắt đèn để phát đi thông điệp mạnh mẽ về chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

 

Chị Nitza Mimar, một khách du lịch người Ixraen chia sẻ: “Tôi cho rằng hành động này đồng nghĩa với tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và là điều tốt cho hành tinh của chúng ta. Mọi thứ chúng ta đang làm là để cứu lấy hành tinh và mang lại một cuộc sống tốt hơn. Những hành động thiết thực như thế này sẽ rất hữu ích cho thế hệ trẻ chúng tôi".

 

Tại Brunei, các tượng đài và công trình nổi tiếng ở thủ đô đã tắt đèn tối qua để hướng ứng giờ trái đất, trong khi đó, hàng nghìn người đã xuống đường diễu hành mang theo gậy phát sáng và nến, thể hiện tình đoàn kết với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ông Mohd Rimey, giám đốc phụ trách chương trình giờ trái đất tại Brunei cho biết, tắt đèn là hành động mang tính biểu tượng, là bước đi đầu tiên hướng tới một hoạt động chung chống biến đổi khi hậu. Khi một cá nhân đoàn kết, sức mạnh tập thể sẽ tạo ra những biến chuyển mạnh mẽ hơn.

 

Còn ở Philippines, những người hâm mộ bộ phim “Cuộc chiến giữa các vì sao” đã tụ tập tại khu vực Bonifacio Global City ở Manila để diễu hành cùng cây kiếm ánh sáng biểu tượng trong bộ phim, khi cả thành phố tắt đèn trong giờ trái đất. Sự kiện này nhằm kêu gọi người dân Philippines hãy trở thành những anh hùng trong công cuộc bảo vệ môi trường.

 

Những tòa nhà tráng lệ của Dubai, thành phố xa hoa bậc nhất thế giới và được coi là biểu tượng thịnh vượng của Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, cũng rũ bỏ vẻ lung linh của mình để hưởng ứng Giờ Trái Đất. Ông Sultan Abdulla An Zabbi, quản lý dự án bảo tồn Đubai cho biết:

 

“Chiến lược này nhằm tăng cường nhận thức bảo vệ môi trường và lan tỏa cách sống lành mạnh, bền vững. Thực tế là giờ trái đất thể hiện sáng kiến môi trường lớn nhất thế giới nhằm giải quyết biến đối khí hậu”.

Điện Kremlin (Nga) tắt đèn hưởng ứng Giờ trái đất.

 

Cùng hưởng ứng sự kiện giờ trái đất, đèn cũng được tắt tại các công trình biểu tượng tại thành phố Thượng Hải và Đài Bắc (Trung Hoa). Các nhà tổ chức sự kiện cho biết họ muốn minh chứng điều mà người dân có thể làm để giảm lượng khí thải các bon và tiết kiệm năng lượng, đặc biệt tập trung sự chú ý tới vấn đề biến đổi khi hậu. Ngoài ra, các di tích và các công trình nổi tiếng như tháp Eiffel (Pháp), Điện Kremlin (Nga), Tháp Big Ben (Anh), Tháp nghiêng Pisa (Italy), tòa nhà Empire State (Mỹ) cùng đồng loạt tắt điện trong chiến dịch này.

 

Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) - đơn vị tổ chức Giờ Trái Đất - cho biết năm nay, quỹ này sẽ điều chỉnh chương trình Giờ Trái Đất tại từng quốc gia để tập trung vào những vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu nổi cộm của từng nước. Chương trình Giờ Trái Đất tại Nam Phi sẽ hướng vào vấn đề năng lượng tái tạo trong khi tại Trung Quốc, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên sẽ hợp tác với doanh nghiệp để khuyến khích lối sống bền vững.

 

Khởi nguồn từ Sydney vào năm 2007, chiến dịch Giờ Trái Đất tới nay đã phát triển đến hơn 178 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 7 nghìn thành phố, kết nối hàng triệu người trên thế giới vì mục tiêu hành động chống biến đổi khí hậu./