Bê bối tham nhũng xuyên lục địa nhấn chìm Mỹ Latinh

16:57, 15/04/2017

Bê bối tham nhũng của Công ty xây dựng Odebrecht (Brazil) được xem là lớn nhất từ trước đến nay khi mạng lưới hối lộ có liên quan đến quan chức 12 quốc gia.

Odebrecht - công ty xây dựng có trụ sở tại Brazil có mạng lưới hối lộ trải rộng trên cả 4 lục địa, liên quan đến các quan chức của 12 quốc gia, trong đó có Mexico, Venezuela, Colombia, Argentina, Peru và Mozambique...

 

Trong vòng 16 năm, từ 2001 - 2016, công ty này đã đưa hối lộ gần 800 triệu USD. Số tiền này được các lãnh đạo Odebrecht chuyển qua một ngân hàng vỏ bọc đến túi của các chính trị gia, nhằm đổi lấy các hợp đồng từ chính phủ trong việc xây đường cao tốc, làm cầu, xây đập... Các nhà điều tra đang xác định phạm vi hối lộ này có thể liên quan đến các hợp đồng xây dựng cho Olympic Rio 2016 và FIFA World Cup 2014.

 

Với tư cách là một trong 3 nước điều phối việc trừng phạt tài chính với Odebrecht, Bộ Tư pháp Mỹ hồi tháng 12/2016 đã ra phán quyết, Odebrecht sẽ phải trả khoản tiền phạt kỷ lục lên đến 3,5 tỷ USD. Đai diện Odebrecht đã thừa nhận về các vụ hối lộ. “Đây là cuộc điều tra về tội phạm tham nhũng lớn nhất trong khu vực từ trước đến nay” - Sergio Rodriguez, công tố viên liên bang Argentina đang điều tra Odebrecht cho biết.

 

Tuy nhiên, các án phạt về kinh tế này mới chỉ là sự khởi đầu khi các nhà điều tra cũng phát hiện, nhiều lãnh đạo cấp cao của các quốc gia Mỹ Latinh cũng dính líu đến thương vụ “đen” này. Tổng thống Colombia Manuel Santos vào tháng 3 vừa qua thừa nhận ông đã nhận một khoản tài trợ từ Odebrecht trong chiến dịch tái tranh cử Tổng thống năm 2014. Tháng 2/2017, cảnh sát Peru đã đột nhập vào nhà cựu Tổng thống Alejandro Toledo vì nghi ngờ nhận hối lộ từ Odebrecht và có thể phải đối mặt với án tù.

 

Tổng thống Brazil Temer cũng bị cáo buộc nhận 40 triệu USD từ Odebrecht.


Còn tại Brazil, nơi Odebrecht đặt trụ sở, tình hình càng bi đát hơn. Tổng thống Brazil Michel Temer ngày 13/4 cũng thừa nhận từng có các cuộc gặp gỡ với đại diện Odebrecht hồi năm 2010. Cựu Chủ tịch Odebrecht Marcio Faria cho biết, đã đưa 40 triệu USD cho đương kim Tổng thống Brazil để đổi lấy hợp đồng từ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras. Tuy nhiên, ông Temer bác bỏ điều này và khẳng định chưa từng có những hoạt động làm ăn phi pháp với Odebrecht. Ngoài ra, liên quan đến vụ này, Tòa án Tối cao Brazil cũng yêu cầu điều tra 9 bộ trưởng, 71 nghị sĩ, 3 thống đốc bang, 1 thẩm phán và 24 chính trị gia khác.

 

Bên cạnh đó, trong bối cảnh Brazil đang rơi vào khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử và đang trong quá trình khắc phục hậu quả vụ "thịt bẩn", việc Odebrecht bị điều tra và đối mặt với án phạt lên đến hàng tỷ USD có khả năng nhấn nền kinh tế của Brazil chìm sâu hơn nữa. Odebrecht đang đem lại công việc cho hàng nghìn người dân Brazil. Đó là chưa kể đến nhiều công ty khác cũng đang phải phụ thuộc vào công việc kinh doanh của Odebrecht. Công ty này bị phá sản sẽ kéo theo việc nhiều công ty khác bị “sập" và hàng nghìn người lâm vào cảnh thất nghiệp. “Không ai muốn Odebrecht bị phá sản. Chính phủ muốn bảo vệ công ăn việc làm nên công ty này có thể sẽ tồn tại, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc quy mô của nó sẽ còn được như trước” - Alexandre Garcia - Phó Giám đốc Fitch Ratings tại Brazil dự báo.