Theo Sky News, Na Uy vừa công bố kế hoạch xây dựng tuyến đường hầm dưới biển đầu tiên trên thế giới đi xuyên qua núi, nhằm tránh những vùng biển nguy hiểm đã từng đe dọa cả các nhà thám hiểm.
Tại buổi công bố chương trình giao thông toàn diện cho giai đoạn 2018-2029, Bộ trưởng Giao thông Na Uy Ketil Solvik-Olsen cho biết, Na Uy ấp ủ dự án xây dựng tuyến đường hầm dưới biển xuyên qua núi từ vài năm trước và đến nay đã xong giai đoạn thử nghiệm. “Nếu được thông qua, đây sẽ đường hầm dưới biển đầu tiên trên thế giới đi xuyên núi”, ông Olsen khẳng định.
Theo kế hoạch được Cục đường bộ Na Uy công bố, tuyến đường hầm trên biển được xây dựng để đi vòng qua bán đảo Stad, một khu vực thường xuyên có bão ở phía Tây Na Uy. Với thiết kế chiều khoảng dài 1,7km, cao 37m và rộng 26,5m, đường hầm Stad sẽ giúp các chuyến đi an toàn hơn và chắc chắn hơn khi qua một số hải phận nguy hiểm nhất trong việc vận chuyển hàng hóa dọc bờ biển Na Uy.
Trang mạng wired.co.uk cho biết, đường hầm dành cho tàu thuyền được xây dựng ở nhiều nơi trên thế giới như đường hầm Midi ở Pháp, tuy nhiên đường hầm Stad sẽ là đường hầm đầu tiên cho phép các con tàu có trọng tải lên đến 16.000 tấn chở khách và hàng hóa có thể đi qua, trong đó có tàu tốc hành nối miền Bắc và Nam Na Uy. Dự án sẽ bắt đầu từ cuối năm 2018, đầu năm 2019 và được xây dựng trong vòng 3-4 năm với chi phí ước tính ban đầu là 253 triệu bảng Anh.
Cũng theo nguồn tin trên, một trong những đường hầm lớn đang được xây dựng hiện nay là Crossrail tại London (Anh). Đây là dự án đường hầm lớn nhất tại châu Âu với tổng kinh phí là 14,8 tỷ bảng Anh. Hơn 8.000 người hiện đang thi công đường hầm này ở độ sâu 40 mét trong lòng đất và chạy từ phía Đông sang phía Tây London. Khi hoàn thành, dự kiến vào cuối năm 2018, hệ thống này sẽ có thêm 10 đường tàu mới, kết nối 30 nhà ga với 116km đường ray và hơn 40km đường hầm. Các dịch vụ sẽ được triển khai một phần vào cuối năm 2017 và toàn phần vào năm 2020.