Nga cảnh báo Mỹ sau vụ tấn công tên lửa vào Syria

18:22, 07/04/2017

Vụ không kích của Mỹ nhằm vào các căn cứ của Syria ngày 7/4 là một hành động “khiêu khích”, không chỉ có nguy cơ tác động tiêu cực đến mối quan hệ Nga - Mỹ mà còn ảnh hưởng tới một mục tiêu chung mà các bên đang theo đuổi là cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Đây là nhận định do phát ngôn viên Tổng thống Nga Dmitry Peskov đưa ra trước phóng viên, liên quan tới phản ứng của Tổng thống Vladimir Putin sau khi hàng loạt phương tiện truyền thông của Mỹ đưa tin Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho quân đội Mỹ sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào một căn cứ không quân của Syria để đáp trả vụ tấn công được cho là bằng vũ khí hoá học khiến hàng chục dân thường thiệt mạng tại quốc gia Trung Đông này.

 

Ông Peskov nêu rõ: “Tổng thống Nga Vladimir Putin coi các vụ không khích của Mỹ nhằm vào lãnh thổ Syria là một hành vi khiêu khích đối với một quốc gia có chủ quyền và vi phạm các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”. Bên cạnh đó, phát ngôn viên này cũng tuyên bố rõ ràng rằng, tất cả các kho vũ khí hóa học của quân đội Syria đã bị tiêu hủy và điều này đã được Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) xác nhận.

 

“Tổng thống Putin cho rằng, việc phớt lờ hoàn toàn những thông tin rằng lực lượng khủng bố đã sử dụng vũ khí hóa học sẽ chỉ khiến tình hình bị cường điệu nghiêm trọng… Ông Putin cũng xem các vụ không kích của Mỹ nhằm vào Syria là một nỗ lực để đánh lạc hướng sự chú ý của cộng đồng quốc tế trước thực trạng dân thường bị thiệt mạng tại Iraq… Động thái của Washington đã ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ Nga - Mỹ, vốn dĩ đang trong trạng thái tồi tệ” – ông Peskov nói.

Người phát ngôn điện Kremlin dẫn lời Tổng thống Putin khẳng định, hành động mới nhất của Mỹ sẽ không giúp Nga, Mỹ xích lại gần nhau hơn trong mục tiêu chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Mà trái lại, sẽ tạo ra những rào cản lớn trong mục tiêu hình thành nên một liên minh quốc tế để có thể đối phó một cách hiệu quả với mối đe dọa toàn cầu này – điều đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump xem là một trong những “mục tiêu chủ chốt” trong chiến dịch tranh cử.

 

Phát biểu trước phóng viên, ngày 7/4, người đứng đầu Ủy ban các vấn đề quốc tế thuộc Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky cũng chia sẻ tuyên bố của ông Peskov và cho rằng, vụ không kích tên lửa của Mỹ nhằm vào căn cứ quân sự tại tỉnh Homs của Syria đã chôn vùi khả năng hợp tác chống khủng bố giữa Washington và Moscow tại Syria.

 

“Chúng tôi không thể không lưu ý rằng, động thái của Mỹ đã hủy hoại nghiêm trọng cơ hội hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, cũng như các nỗ lực mang lại một lệnh ngừng bắn tại Syria…Tất cả những diễn biến trên, nhìn chung, chắc chắn sẽ để lại tác động tiêu cực trong vòng đối thoại Nga - Mỹ” – ông Slutsky nói.

 

Theo lập luận của ông Slutsky thì các hành động trên của Mỹ cho thấy chính quyền Washington sẵn sàng “làm tất cả những gì có thể” nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Basahr al-Assad, bất chấp gần đây Mỹ đã tuyên bố rằng “vấn đề này phụ thuộc vào quyết định của người dân Syria”.

 

“Như thường lệ, Mỹ đang hành động dựa trên các tiêu chuẩn kép, đó là sử dụng vũ lực mà không có bằng chứng thuyết phục, cũng như nhắm mắt làm ngơ trước thực tế rằng các phần tử khủng bố đã sử dụng vũ khí hóa học tại tỉnh Mosul của Iraq từ vài tuần trước…Tất cả chúng ta đều nhớ rất rõ bài phát biểu của cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell trước Liên hợp quốc vào tháng 2/2003, sau đó dẫn tới chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ vào Iraq. Song dường như Mỹ vẫn chưa tiếp thu được bài học nào từ cuộc chiến Iraq, dù sau đó vũ khí hủy diệt hàng loạt không được tìm thấy tại quốc gia này. Vì thế, các phương pháp được giới chính trị Mỹ áp dụng vẫn không hề thay đổi” – ông Slutsky nói.

 

Tuyên bố trên của các đại diện cấp cao Nga đã cho thấy triển vọng cải thiện quan hệ giữa Moscow và Washington đang có nguy cơ “tan biến” sau vụ không kích của Mỹ nhằm vào Syria. Trên thực tế, mối quan hệ giữa hai cường quốc này chưa từng bao giờ “yên ả” song đã đi xuống nghiêm trọng kể từ sau sự kiện Tổng thống Putin ký sắc lệnh sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014 và bị các nước phương Tây cáo buộc hậu thuẫn lực lượng đòi độc lập tại miền Đông Ukraine. Những tranh cãi xung quanh vấn đề Ukraine đã dẫn tới việc các nước phương Tây và chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama áp đặt một số lệnh trừng phạt kinh tế hà khắc nhằm vào Moscow – vốn được ông D.Trump tuyên bố sẽ giữ nguyên hiệu lực cho tới khi nào Nga “trả lại” Crimea.

 

Được biết, vào đầu tuần tới, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ thực hiện chuyến thăm Nga nhằm mục tiêu “đưa ra đánh giá thực tế” trước triển vọng cải thiện quan hệ giữa hai cường quốc mà chính quyền Tổng thống D.Trump từng tuyên bố sẽ theo đuổi.

 

Ông Michael McFaul – người từng giữ vai trò Đại sứ Mỹ tại Nga dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama đã nhận định về khả năng “Nga sẽ giảm bớt hy vọng về khả năng đạt được đột phá (trong quan hệ hai nước), và những gì vừa diễn ra tại Syria lại càng củng cố cho điều này”. Tuy nhiên, cũng có thể chuyến đi của ông Tillerson sẽ diễn ra “êm ả” bởi hai nước đang hướng tới một cuộc gặp tương lai giữa ông Putin và ông D.Trump.

 

Trong khi đó, các quan chức kỳ cựu thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ lại đánh giá chuyến thăm Nga của ông Tillerson là một “sự kiện mang tính thăm dò” nhằm xác định rõ triển vọng hợp tác trong quan hệ giữa Washington và Moscow bởi cho tới nay, hai bên vẫn chưa thông qua quyết định nào nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương.

 

Việc ông Tillerson sang thăm Nga sẽ phát đi một thông điệp tích cực về mặt ngoại giao, nhất là khi Ngoại trưởng Mỹ được biết đến là người đã xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Putin từ thời còn giữ vị trí Giám đốc điều hành tập đoàn Exxon Mobil. Song có một thực tế không thể phủ nhận rằng, hành động tấn công quân sự của Mỹ nhằm vào Syria ngày 7/4 sẽ tác động không nhỏ tới mối quan hệ này trong thời gian tới và chuyến thăm của ông Tillerson sẽ mang lại những kết quả gì trong quan hệ Nga - Mỹ vẫn còn ở phía trước./.