Tại cuộc họp thượng đỉnh EU Thủ tướng Anh Theresa May đã đưa ra cam kết đảm bảo quyền lợi của 3 triệu công dân EU hiện sinh sống tại Anh.
Đề xuất này được các nhà lãnh đạo EU hoan nghênh, cho rằng là một “ khởi đầu tốt” trong quá trình đàm phán để Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Tuy nhiên, lãnh đạo EU vẫn cảnh báo còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Nguồn tin từ Chính phủ Anh cho biết, theo đề xuất của Thủ tướng Theresa May với các nhà lãnh đạo EU, tất cả công dân EU sinh sống hợp pháp tại Anh sẽ vẫn có quyền ở lại Anh thời hậu Brexit. Đối với những công dân EU đã ở Anh được 5 năm sẽ được hưởng tất cả các quyền lợi như người Anh.
Thủ tướng Theresa May cho biết, đề xuất của Anh nhằm tạo ra sự ổn định tốt nhất có thể cho những công dân EU sinh sống tại Anh có được tương lai nghề nghiệp cũng như đóng góp được nhiều cho xã hội Anh. Bà Theresa May cũng đề nghị quy chế tương tự cho hơn 1 triệu công dân Anh hiện đang sinh sống tại EU.
Thủ tướng Theresa May khẳng định: “Chúng tôi tham gia đàm phán với khởi đầu tích cực. Điều tôi đưa ra hôm nay đó làm thế nào Anh có thể bảo vệ quyền các công EU đang sinh sống tại Anh và quyền của các công dân Anh sống tại châu Âu.
Đây là vấn đề quan trọng và chúng tôi muốn là một trong những vấn đề được xem xét trong đàm phán. Chúng tôi sẽ đề xuất đảm bảo cho các công dân EU tại Anh”.
Vấn đề quyền công dân khá nhạy cảm trong quá trình đàm phán Brexit. EU coi việc bảo vệ quyền lợi của công dân châu Âu tại nước Anh và ngược lại đối với các công dân Anh tại EU là một trong 3 ưu tiên hàng đầu cũng như những vấn đề khó giải quyết nhất của các cuộc đàm phán.
Chính vì vậy, kế hoạch của Thủ tướng Anh được đánh giá là một “ đề xuất hào phóng” và ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của các nhà lãnh đạo châu Âu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, đề xuất này là một “ khởi đầu tốt” và mong muốn có các cuộc đối thoại tích cực với Anh. Thủ tướng Áo Christian Kern cũng đánh giá cao đề xuất của Anh, gọi đây là một bước đầu tiên tích cực.
Tuy nhiên, bất đồng vẫn nổi lên giữa Anh với giới lãnh đạo châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh lần này, liên quan đến vai trò của Tòa án Châu Âu ở Anh sau Brexit, cũng như vấn đề tài chính, mối quan hệ với Ireland.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đặt ra câu hỏi tại sao nhà lãnh đạo EU lại đưa ra đề xuất này trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của khối, thay vì trên bàn đàm phán Brexit.
Thủ tướng Áo Christian Kern cũng khẳng định vẫn còn một con đường dài đàm phán phía trước: “Đề xuất của Thủ tướng Anh là gợi ý đầu tiên, nhưng không giải quyết được tất cả các vấn đề. Hiện chưa rõ về tác động đối với những công dân EU và điều này được qui định cụ thể như thế nào trong các cuộc đàm phán Brexit”.
Thực tế việc Anh bắt đầu có quan điểm mềm dẻo hơn trong các cuộc đàm phán Brexit là điều có thể dự đoán được, khi Thủ tướng Theresa May đang phải đối mặt với sức ép chính trị trong và ngoài nước sau cuộc bầu cử được đánh giá là không thành công vừa qua.
Bà Theresa May là người luôn cứng rắn với 27 thành viên còn lại của EU trong đàm phán Brexit. Tuy nhiên, ngay vòng đàm phán đầu tiên của Brexit diễn ra trong tuần này đã cho thấy Anh có sự nhượng bộ đáng kể về một số vấn đề liên quan đến giai đoạn đàm phán cũng như các ưu tiên đưa ra thảo luận.
Thủ tướng Anh cũng bắt đầu có những tuyên bố xoa dịu hơn, khi khẳng định rằng Anh muốn có mối quan hệ đối tác sâu sắc và đặc biệt với những người bạn và đồng minh tại châu Âu.
Theo giới quan sát, việc không đạt được mục tiêu trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8/6 vừa qua khiến uy tín của Thủ tướng Anh tại EU giảm sút nghiêm trọng.
Điều này làm lung lay quan điểm cứng rắn của nữ Thủ tướng Theresa May về một “Brexit cứng”, trong bối cảnh phía Công đảng đối lập - lực lượng đang có tiếng nói quan trọng trong quốc hội Anh, muốn có một cách tiếp cận mềm dẻo hơn đối với Brexit./.