Hà Lan: Biến đổi khí hậu là một cơ hội để phát triển

14:38, 21/06/2017

Ở Hà Lan – quốc gia thấp hơn mực nước biển, biến đổi khí hậu dẫn đến mực nước biển dâng là mối quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, thay vì nhìn nhận hiện tượng thời tiết này là một thách thức đối với nền kinh tế, người Hà Lan coi đây là một cơ hội.  

Giống như pho mát ở Pháp hay xe hơi ở Đức, biến đổi khí hậu thực sự là một ngành kinh doanh ở Hà Lan. Hàng tháng, các đoàn chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới như: Jakarta (Indonesia), New York, New Orleans (Hoa Kỳ) và thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) đến thăm thành phố cảng Rotterdam để xem cách mà thành phố này chống chọi với mực nước biển dâng. Kết thúc chuyến thăm, các hợp đồng quản lý nguồn nước bằng công nghệ cao thường được ký kết.

 

Từ thưở sơ khai, những cư dân đầu tiên ở Hà Lan đã vô cùng quan tâm đến nguồn nước để dẫn nước vào trang trại và nhà cửa. Nguồn nước có ý nghĩa sống còn khi mọi sinh hoạt của người Hà Lan đều xoay xung quanh nước. Khi biến đổi khí hậu trở thành một vấn đề lớn, không có một quốc gia nào ở châu Âu bị đe dọa nhiều như Hà Lan. Đây là quốc gia nằm ở rìa lục địa và phần lớn đất nước nằm dưới mực nước biển và đang ngày càng chìm xuống. Biến đổi khí hậu mang lại viễn cảnh những trận thủy triều nhấn chìm thành phố và những trận bão lớn.

 

Tuy nhiên, trong tư tưởng của người Hà Lan, biến đổi khí hậu chính là một cơ hội. Ngay khi chính quyền Hoa Kỳ của tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Paris, Hà Lan chính là quốc gia đi tiên phong trong việc đưa hiệp định vào đời sống.

 

Về bản chất, người Hà Lan tin rằng: không thể chinh phục được Mẹ thiên nhiên. Do đó, thay vì tìm mọi cách để chế ngự nguồn nước, người dân nước này quyết định sống chung với nó. Người Hà Lan đã xây dựng hồ, nhà để xe, công viên hay trung tâm thương mại để phục vụ cuộc sống hàng ngày như mọi quốc gia khác nhưng đồng thời cũng tăng gấp đôi số hồ chứa khổng lồ phòng khi biển và sông tràn lên thành phố. Nước biển dâng có thể đúng, hoặc chỉ là lời của giới truyền thông nhưng rốt cục, vẫn phải thích ứng với nó.

 

Các nhà quản lý Hà Lan đã nhận ra điều này. Họ cho rằng, sự hồi phục của môi trường và kiến tạo xã hội phải đi đôi với nhau. Khi các nhà quy hoạch ở Hà Lan cải tạo đường xá, khu phố, họ mở rộng đồng thời các khu vực chứa nước đề phòng thảm họa.

 

Thích ứng với khí hậu, nếu giải quyết ngay từ đầu và đúng cách sẽ đem lại một quốc gia giàu và mạnh hơn là thông điệp mà người Hà Lan muốn đưa ra thế giới.

 

Ông Ovink – giám đốc Tập đoàn toàn cầu về các giải pháp chống biến đổi khí hậu tại Hà Lan cho biết, công ty của ông đã tư vấn cho các cơ quan chức năng của Bangladesh về việc xây dựng khu trú ẩn khẩn cấp và việc xây dựng các tuyến sơ tán nhằm giảm số tử người tử vong do lũ lụt gần đây từ hàng ngàn xuống còn vài trăm người.

 

“Hàng năm, có hàng ngàn người chết vì mực nước biển tăng lên nhưng thế giới lại không đoàn kết để đối phó với cuộc khủng hoảng này” – Ông Ovink nói, lấy dẫn chứng năm 2016 là năm nóng nhất trong lịch sử và mực nước biển toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục.

 

Ở Hà Lan, có rất nhiều công trình chứng minh thành tựu của chống biến đổi khí hậu. Ví như kênh chèo thuyền tại Rotterdam tên là Eendragtspolder – nơi giải vô địch Chèo thuyền thế giới được tổ chức vào hè năm ngoài – là một công trình nhằm để chứa nước khi thành phố này bị ngập lụt trong trường hợp khẩn cấp. Con kênh này nằm gần điểm thấp nhất ở hà Lan – khoảng 20 feet (6 mét) dưới mực nước biển. Những con kênh kiểu này sẽ trở thành hồ chứa cho lưu vực sông Rotte tràn xuống trong vài thập kỷ tới.

 

Ông Olealeb – Thị trưởng thành phố Rotterdam cho biết “Rotterdam là khu vực dễ bị tổn thương nhất (do khí hậu) ở Hà Lan, kể cả cả về kinh tế và địa lý. Nếu như bị ngập, chúng ta chỉ có thể sơ tán một số it người. Vì vậy di tản không phải là sự lựa chọn. Chúng ta phải học cách sống chung với nước.” Đó là cách thành phố Rotterdam biến mình thành thủ đô của các doanh nghiệp về môi trường. Đây là thành phố đi tiên phong trong việc xây dựng các cơ sở như bãi đậu xe trở thành hồ chứa khẩn cấp, các đài phun nước, vòi phun nước, khu vường, sân bóng rổ luôn sẵn sàng trở thành ao chứa nước.

 

Đây chỉ là một trong nhiều dự án toàn quốc của Hà Lan, được gọi chung là Căn phòng dành cho sông – nhằm bảo vệ đất trước sông ngòi và biển. Theo ông Harold van Waveren – cố vấn chính phủ cao cấp, người Hà Lan “không thể tiếp tục xây đê cao hơn vì họ sẽ chỉ sống sót với một bức tường cao 10 mét mà thôi. Thay vào đó, chúng ta cần cung cấp cho sông nhiều nơi để chảy”. Bên cạnh đó, việc chống lại biến đổi khí hậu không chỉ là các công trình thoát nước mà còn là cách quy hoạch không gian, quản lý khủng hoảng, giáo dục trẻ em, các ứng dụng trực tuyến…

 

Ông Harold van Waveren nói về một ứng dụng trên điện thoại sử dụng công nghệ định vị toàn cầu GPS để thông báo cho người dân mực nước biển hiện tại. Chính phủ Hà Lan cũng quy định, để được vào bể bơi công cộng, trẻ em Hà Lan cần phải có bằng chứng nhận biết bơi, trang bị đầy đủ quần áo, giày dép.

 

Giám đốc trung tâm khí hậu của thành phố Arnoud Molenaar cho biết “Một thành phố thông minh phải có tầm nhìn toàn diện vượt ra khỏi đê và cửa thoát nước. Thách thức của thích ứng với biến đổi khí hậu bao gồm sự đảm bảo an toàn, cống rãnh, nhà ở, đường sá, các dịch vụ khẩn cấp đồng thời là khả năng khôi phục mạng Internet”./.