Hôm nay (2-7) là thời hạn chót để Qatar thực hiện các yêu cầu mà các nước Arab đưa ra trong tối hậu thư. Tuy nhiên, Qatar đã bác bỏ những yêu sách này.
Qatar đã vận động các quốc gia ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chống lại lệnh cấm vận của các nước Arab vùng Vịnh đối với Qatar.
Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani đã gặp đại diện các nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tại Phái bộ Qatar tại Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ). Ông Al Thani hối thúc các quốc gia này yêu cầu các nước Arab và vùng Vịnh dỡ bỏ phong tỏa Qatar, đồng thời có tiếng nói công khai ủng hộ Qatar.
Ngoại trưởng Qatar cũng cho rằng, lệnh phong tỏa Qatar là “hành động xâm lược rõ ràng” và vi phạm luật pháp quốc tế, khẳng định các hành động thù địch này dựa trên những cáo buộc vô căn cứ và giả định sai trái.
Qatar đã bác bỏ bản yêu sách của 4 quốc gia Arab cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cho rằng những yêu cầu này là không chấp nhận được. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Al Thani khẳng định, Qatar sẵn sàng đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay.
“Điều mà chúng tôi nói ở đây là mọi thứ cần phải dựa trên một quy trình thích hợp và khuôn khổ thích hợp và các nguyên tắc đó được thống nhất giữa các bên”, ông Al Thani nói. “Chúng tôi không chấp nhận bản danh sách của những yêu cầu vô lý đó. Nó không được chấp nhận hay để đàm phán. Qatar thay vì từ chối các bản yêu sách đó như một nguyên tắc mà chúng tôi sẵn sàng tham gia, cung cấp điều kiện thích hợp cho các cuộc đối thoại tiếp theo.
Ngoại trưởng Qatar cho biết thêm: “Về tối hậu thư mà các nước Arab đưa ra thì chúng tôi tin rằng, thế giới được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế, thế giới được chi phối bởi một trật tự mà không cho phép nước lớn bắt nạt nước nhỏ. Do đó ngay cả đối với tối hậu thư thì không một quốc gia nào có quyền đưa ra yêu sách cho bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào”.
Tuyên bố trên của Ngoại trưởng Al Thani được đưa ra chỉ một ngày trước "hạn chót" (ngày 2/7) mà Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đặt ra để Qatar phải chấp thuận bản yêu sách gồm 13 điểm.
Bản yêu sách bao gồm việc đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, hạ cấp quan hệ với Iran và đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar. Các quốc gia Arab và vùng Vịnh tuyên bố các yêu cầu của họ không thể đàm phán, đồng thời cảnh báo các nước này sẽ cân nhắc những biện pháp trừng phạt tiếp theo nếu Qatar không tuân thủ.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh nổ ra từ ngày 5/6 khi một loạt quốc gia lớn đứng đầu là Saudi Arabia đột ngột cắt đứt quan hệ ngoại giao cũng như đóng cửa mọi đường dây liên lạc với Qatar vì cáo buộc Qatar tài trợ khủng bố và gây bất ổn trong khu vực. Trước cáo buộc này, Qatar một mực phủ nhận, đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước khác trong khu vực cũng như Liên Hợp Quốc để giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Như vậy, từ những diễn biến trên có thể nhận thấy, bản chất các cuộc xung đột và cán cân quyền lực ở vùng Vịnh lâu nay là sự tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc và mâu thuẫn giữa hai dòng Hồi giáo lớn ở Trung Đông là Shi'ite và Sunni.
Cuộc khủng hoảng liên quan đến Qatar hiện nay có thể xem là sự kiện phản ánh tham vọng của Saudi Arabia theo dòng Sunni. Saudi Arabia muốn tận dụng mối đe dọa từ "kẻ thù Iran" theo dòng Shi'ite để kêu gọi các nước Arab dòng Sunni thiết lập liên minh quân sự, song không nhận được sự đồng thuận từ Qatar.
Quyết định cắt đứt quan hệ trên nhiều mặt với Qatar được lấy lý do là nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố và cực đoan, nhưng mục đích chính của chiến dịch này là cô lập Iran và nâng tầm vị thế của Saudi Arabia trong khu vực. Hiện chưa thể khẳng định bên nào sẽ hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng hiện nay, song nếu không giải quyết ổn thỏa thì chính các bên liên quan sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể./.