NATO tăng cường chống khủng bố: Đối phó với mối đe dọa chung

09:35, 02/07/2017

Thảo luận về những hợp tác mới trong cuộc chiến chống khủng bố và tìm cách chia sẻ gánh nặng chi phí dành cho an ninh của khối là nội dung chủ đạo của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đây là cuộc họp quyết định chiến lược của NATO trong một năm tới, với nhiều thay đổi quan trọng về địa chính trị trên toàn cầu trước khi hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của tổ chức này diễn ra mùa hè năm sau.

Theo Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, trong năm 2017, chi phí quốc phòng của NATO tăng thêm 4,3% và cũng là năm thứ ba tăng liên tiếp. Kể từ khi ngừng cắt giảm ngân sách cho quốc phòng vào năm 2014, Canada và các nước đồng minh NATO ở Châu Âu đã chi thêm tổng cộng 46 tỷ USD. Bước sang năm 2017, 25 nước NATO (trừ Mỹ) cũng quyết định tăng chi cho quốc phòng theo các điều kiện thực tế tại mỗi nước, dự kiến tổng cộng khoảng 12 tỷ USD.

 

Các nước đồng thời cam kết đẩy mạnh đầu tư cho một số mảng then chốt như thiết bị quân sự hạng nặng và máy bay tiếp nhiên liệu trên không. NATO cũng đã triển khai nhiều dự án đa dạng từ tình báo đến tăng cường năng lực và đào tạo, với địa bàn phân bố từ Châu Âu đến Trung Đông, nhằm gia tăng lợi thế trong cuộc chiến chống khủng bố.

 

Trên thực địa, trong tháng 5 qua, NATO đã quyết định tham gia liên quân quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Động thái này là thông điệp mạnh mẽ về tính thống nhất trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan trên thế giới, đồng thời là nền tảng cho sự hợp tác trong khối.

 

Hiện tại, NATO đã tham gia cơ cấu chia sẻ thông tin và ra quyết định tác chiến của liên quân chống IS. Tại Iraq, tổ chức này cũng hỗ trợ tăng cường năng lực cho các cơ quan an ninh của quốc gia vùng Vịnh; tham gia giám sát chương trình đào tạo cho các lực lượng vũ trang Iraq. Ngay trong tuần tới, đơn vị chuyên về phân tích các mối đe dọa hỗn hợp và một đơn vị tình báo về chống khủng bố đóng tại trụ sở NATO sẽ đi vào hoạt động nhằm tìm hiểu, ngăn ngừa các mối đe dọa khủng bố đến từ những chiến binh nước ngoài.

 

Nhằm hỗ trợ cho chiến lược trên, các Bộ trưởng Quốc phòng NATO đã dành thời gian đáng kể thảo luận về chính sách tiếp theo sẽ tiến hành ở Afghanistan. Đây là một chủ đề quan trọng trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nhận định NATO cần hoàn thành sứ mệnh ở Afghanistan hoặc phải đối mặt với hành động trả thù của các phần tử khủng bố.

 

Theo đó, NATO đã đạt được thống nhất sẽ tiếp tục hỗ trợ cho lực lượng an ninh, đồng thời tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chính trị và hợp tác hành động với quốc gia Nam Á này. NATO đang duy trì khoảng 13.500 binh lính nước ngoài tại Afghanistan, chủ yếu làm nhiệm vụ huấn luyện các lực lượng vũ trang bản địa.

 

Trong thời gian tới, trên tinh thần sự lớn mạnh của lực lượng an ninh bản địa là yếu tố quan trọng bảo đảm ổn định và triệt tiêu các mầm mống khủng bố, gần 4.000 binh lính tăng viện sẽ tập trung củng cố các lực lượng đặc nhiệm, cải thiện năng lực yểm trợ từ trên không, nâng cao chất lượng đào tạo sĩ quan... cho quân đội Afghanistan.

 

Bảo đảm sự thống nhất về hành động giữa các thành viên, NATO đã quyết định giao cho Phó Tổng Thư ký Rose Gottemoeller nhiệm vụ điều phối các nỗ lực chống khủng bố của khối. Việc lần đầu tiên trong lịch sử liên minh quân sự lớn nhất thế giới cắt cử nhân vật quyền lực thứ hai trực tiếp đảm nhận công việc này là dấu hiệu rõ ràng cho thấy, NATO xem việc chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan là ưu tiên hàng đầu.

 

Với tiềm lực quân sự mạnh mẽ, sự tham gia tích cực hơn của NATO vào cuộc chiến khó khăn và nóng bỏng đang diễn ra trên quy mô toàn cầu không chỉ củng cố vai trò, uy tín của khối mà còn tạo ra những nguồn lực cần thiết nhằm đối phó với mối đe dọa chung của nhân loại.