Ngày 2-8, đại diện Chính phủ Campuchia và Bangladesh đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về việc Bangladesh sẽ mua một triệu tấn gạo của Campuchia trong vòng năm năm.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau lễ ký tại thủ đô Phnom Penh, Bộ trưởng Thương mại Campuchia Pan Sorasak cho biết, Bangladesh sẽ bắt đầu nhập khẩu gạo của Campuchia từ tháng 10 năm nay theo thỏa thuận này. Trong năm đầu của thỏa thuận, Bangladesh sẽ mua 200.000 tấn gạo trắng và 50.000 tấn gạo đồ.
Ông Sorasak nói, với thỏa thuận này, Bangladesh trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Campuchia, sau khi Trung Quốc đã tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo của Campuchia lên 300.000 tấn trong năm 2018.
Bộ trưởng Lương thực Bangladesh Qamrul Islam cho biết, việc mua gạo của Campuchia sẽ bổ sung nguồn gạo của Bangladesh sau khi nước này bị ảnh hướng bởi lũ lụt. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi chọn Campuchia”, ông Islam nói và khẳng định Bangladesh tin vào chất lượng gạo của Campuchia.
Theo số liệu mới công bố của Ban Thư ký Dịch vụ xuất khẩu gạo một cửa Campuchia, nước này đã xuất khẩu hơn 288 nghìn tấn gạo trong nửa đầu năm nay, tăng 7,6% so cùng kỳ năm ngoái.
Gạo Campuchia được xuất khẩu sang 56 quốc gia và khu vực, trong đó nhiều nhất là sang Trung Quốc với hơn 94.700 tấn trong nửa đầu năm nay, tăng 100% so cùng kỳ năm ngoái.
Campuchia có hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Diện tích canh tác lúa mùa mưa của nước này chiếm hơn 80% tổng diện tích trồng lúa, do hệ thống thủy lợi kém phát triển. Những năm gần đây, tổng diện tích trồng lúa của nước này đạt khoảng ba triệu ha, chiếm gần 85% diện tích đất canh tác nông nghiệp, cho sản lượng thóc khoảng 9 triệu tấn. Gần 70% trong tổng số 15 triệu dân nước này là nông dân, trong đó có khoảng 2 triệu nông dân trồng lúa.