Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Syria – ông Staffan de Mistura vừa bày tỏ hy vọng rằng, các lực lượng đối lập tại Syria sẽ nắm bắt cơ hội và tiến hành một “vòng đàm phán nghiêm túc” trong bối cảnh Liên hợp quốc đang lên kế hoạch triệu tập các vòng đối thoại tiếp theo về cuộc khủng hoảng tại quốc gia Ả rập này vào tháng 10 hay tháng 11 tới.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 17/8, ông Mistura cho rằng, thời gian còn lại để tiến hành các vòng đàm phán sắp tới do Liên hợp quốc bảo trợ sẽ là một “cơ hội lớn” để phe đối lập tại Syria có thể đánh giá về tình hình thực địa. Nhận định này của ông Mistura được xem là nhằm ám chỉ tới tiến triển của các vòng đối thoại ba bên giữa Ủy ban đàm phán tối cao (HNC) và hai liên minh đối lập ôn hòa khác tại Syria. Trong thời gian trở lại đây, 3 lực lượng này đã thảo luận về các phương án giúp gạt bỏ bất đồng và thiết lập một mặt trận thống nhất tham gia vào vòng đàm phán tiếp theo về tương lai của Syria.
Phát biểu trước các phóng viên từ Geneva (Thụy Sĩ), ông Mistura kêu gọi phe đối lập cần “tự đưa ra nhận định về nhu cầu hợp nhất” và các lực lượng chống chính phủ cần tiến tới một cách tiếp cận “toàn diện và có lẽ là thực tế hơn” cho tình hình hiện nay tại Syria. Đại diện ngoại giao này của Liên hợp quốc nhận định rằng, trong vài tuần tới, có thể các lực lượng đối lập tại Syria sẽ tổ chức một cuộc họp quan trọng để chính thức bầu ra ban đại diện trước khi tham gia vào các vòng đối thoại trực tiếp với chính phủ.
Bên cạnh đó, ông Mistura cũng đề cập tới khả năng sẽ kêu gọi tổ chức các vòng đối thoại trù bị tại Geneva vào tháng 9/2017, song cũng nhấn mạnh thêm rằng, Liên hợp quốc sẽ “tập trung vào một lịch trình thực tế, nhằm hướng tới những vòng đối thoại thực sự dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10 tới”. Ngoài ra, đại diện ngoại giao trên cũng đặt niềm tin vào vai trò của Nga và Iran, hoặc bất kỳ ai có tầm ảnh hưởng lớn với chính phủ Syria, sẵn sàng hợp tác khi được mời tới Geneva để đàm phán trực tiếp với bất kỳ lực lượng nào của phe đối lập Syria đồng ý tham dự.
Trong cuộc họp báo cùng ngày, ông Mistura cũng nhắc tới một lá thư của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu vào đầu tháng 8/2017, đã mở đường cho việc triển khai cảnh sát Nga dọc tuyến đường dẫn đoàn viện trợ gồm 50 chiếc xe tải của Tổ chức Chữ thập đỏ và Liên hợp quốc tiến vào thị trấn Douma do phe nổi dậy nắm quyền kiểm soát vào ngày 17/8. Đây là đoàn viện trợ đầu tiên kể từ tháng 5/2017 tiếp cận thành công với Douma, mang theo đồ cứu trợ cho 35.000 người sinh sống tại khu vực này.
Kể từ sau khi cuộc khủng hoảng chính trị bùng phát tại Syria vào tháng 2011, Liên hợp quốc đã tổ chức 7 vòng đàm phán nhằm tháo gỡ bế tắc giữa chính quyền Damacus và phe đối lập để hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này, song đều không mang lại kết quả như mong đợi. Hiện những tranh cãi về tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad vẫn được xem là một trở lực chính để các bên có thể tìm thấy tiếng nói chung trong khuôn khổ các vòng đối thoại do Liên hợp quốc bảo trợ./.