Hội nghị Thượng đỉnh thường niên Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) diễn ra tại T.P Hạ Môn (Trung Quốc) trong bối cảnh Triều Tiên vừa mới tiến hành vụ thử hạt nhân. Năm nay, hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Ấn Độ Narendara Modi, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Brazil Michel Temer, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngoài 5 nước thành viên, BRICS 2017 cũng đón đại diện của Ai Cập, Mexico, Thái Lan, Guinea và Tadjikistan.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái khẳng định quan điểm thắt chặt hợp tác giữa các nước BRICS khi tình hình thế giới có nhiều thay đổi và kêu gọi các nước thành viên thúc đẩy hợp tác kinh tế thiết thực, chống chủ nghĩa khủng bố và thúc đẩy cải cách năng lực điều hành kinh tế thế giới. Hiện đầu tư nước ngoài của 5 thành viên BRICS ở mức 197 tỷ USD trong năm 2016, nhưng chỉ có 5,7% trong số này là giữa các quốc gia BRICS với nhau và còn quá ít so với tiềm năng. Vì vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại và đầu tư, tiền tệ và tài chính, kết nối, phát triển bền vững, đổi mới và hợp tác công nghệ, đồng thời nêu rõ giao lưu nhân dân và các trao đổi văn hóa sẽ là “chìa khóa” để tăng cường sức mạnh và thúc đẩy hợp tác BRICS.
Những nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh có nhiều ý kiến nghi ngờ việc BRICS có thể đạt được mục tiêu nâng tầm giá trị tiếng nói, lợi ích của các nước đang phát triển. Về cơ bản, giữa các quốc gia này có rất ít điểm chung, nhưng lại phải đối mặt với rất nhiều thách thức kinh tế. Trong nhóm, Trung Quốc vẫn có nhiều ưu thế về kinh tế nhưng lại chưa có động thái hỗ trợ hiệu quả với các thành viên còn lại. Về phần mình, kinh tế Ấn Độ đang nổi lên, nhưng giá hàng hóa nguyên vật liệu xuống thấp đang ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của Nga, Brazil, Nam Phi.
Đáng chú ý là Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm nay diễn ra ngay sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch có khả năng gắn vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị, các nước BRICS bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng hiện nay, đồng thời nhấn mạnh cuộc khủng hoảng chỉ được giải quyết thông qua các giải pháp hòa bình và đối thoại trực tiếp giữa tất cả các bên.
Cũng liên quan đến vấn đề an ninh, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm nay được tổ chức không lâu sau những căng thẳng dọc biên giới tranh chấp ở phía Tây dãy Himalaya giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ. Do đó, Tuyên bố chung Hạ Môn nêu rõ, các thành viên BRICS cần chứng tỏ sự tôn trọng lẫn nhau và tránh xung đột. Các nhà lãnh đạo nhóm cũng lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác chống chủ nghĩa cực đoan. Nguyên thủ 5 nước BRICS nhất trí kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng thực thi hiệu quả các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và thành lập một liên minh chống khủng bố.
Nhìn chung, dù bị “xao nhãng” bởi vấn đề Triều Tiên, nhưng lần nhóm họp mới nhất của các thành viên BRICS thể hiện rõ mong muốn thắt chặt mối quan hệ nội khối trên nhiều phương diện giữa các nền kinh tế mới nổi cũng như hợp tác đối phó với các thách thức chung của thế giới. Đây là những hướng tiếp cận phù hợp với thực tế, nhưng các hành động cụ thể lại được đánh giá là chưa thực sự rõ nét. Trong khi đó, chỉ khi được hiện thực hóa một cách rõ ràng, những mục tiêu tốt đẹp của BRICS mới có ý nghĩa đối với từng thành viên, góp phần tạo nên sức mạnh của khối cũng như đóng góp chung vào sự phát triển của nền kinh tế, chính trị toàn cầu.