Ngày 26/11, các nhà lãnh đạo Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí theo đuổi kế hoạch thành lập một chính phủ “đại liên minh” với đảng Dân chủ Xã hội (SDP) nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu này chao đảo trong nhiều ngày qua.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp kéo dài 4 tiếng đồng hồ với ban lãnh đạo CDU, Thủ hiến bang Schleswig Holstein – ông Daniel Guenther tuyên bố, đại diện các bên đã khẳng định quyết tâm mạnh mẽ nhằm thành lập một chính phủ hiệu quả. Ông Guenther nêu rõ, sẽ không có một chính phủ thiểu số mà là một liên minh chiếm đa số trong Quốc hội – hay có thể gọi đây là một chính phủ “đại liên minh”.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang Đức hồi cuối tháng 9/2017, Liên minh Dân Chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) theo đường lối bảo thủ của Thủ tướng Merkel đã giành chiến thắng và mang lại cơ hội tại vị cho bà trên cương vị chèo lái nước Đức nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp. Tuy nhiên, với tỷ lệ chiến thắng khiêm tốn và cùng với việc SDP – đảng về thứ 2 trong cuộc bầu cử tuyên bố sẽ tham gia phe đối lập, đảng của bà Merkel buộc phải liên minh với các đảng khác nhỏ hơn để thành lập chính phủ mới.
Trong tuần trước, các vòng đối thoại nhằm thành lập một chính phủ liên minh ba bên giữa CDU/CSU, đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh đã kết thúc trong thất bại sau khi FDP tuyên bố rút lui và khẳng định sẽ không tiếp tục tham gia vào các nỗ lực thành lập chính phủ liên minh. Diễn biến này đã đẩy bà Merkel phải đứng trước hai sự lựa chọn, hoặc là tiến hành bầu cử lại, hoặc là thành lập một chính phủ thiểu số. Về phía nữ Thủ tướng Đức tuyên bố ưu tiên phương án thứ nhất, đồng thời tỏ rõ sự tin tưởng rằng, liên minh CDU/CSU của bà đã sẵn sàng bước vào các cuộc bầu cử mới với một tinh thần hợp nhất cao độ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, vào cuối tuần trước, SDP đã bất ngờ thay đổi quyết định, tiếp tục bảo toàn vai trò chính trị và nhất trí tiến hành đàm phán thăm dò với Thủ tướng Merkel, mở ra triển vọng thành lập một đại liên minh mới ở Đức.
Ngay lập tức, dư luận Đức đã hoan nghênh cái bắt tay trở lại giữa SDP và CDU/CSU để hình thành một chính phủ “đại liên minh”. Phát biểu trên tờ Bild am Sonntag, Chủ tịch CSU Horst Seehofer khẳng định một chính phủ liên minh giữa CDU/CSU và SPD sẽ là “một sự lựa chọn tốt nhất cho nước Đức”.
Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến dư luận do Viện nghiên cứu Emnid công bố ngày 26/11 cho thấy, có tới 52% cử tri Đức ủng hộ phương án thành lập một đại liên minh giữa CDU/CSU và SPD.
Trong khi đó, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng hình thành một chính phủ ổn định tại Đức để Liên minh châu Âu (EU) có thể thảo luận về các vấn đề tương lai, gồm cả các đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm cải tổ khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và việc Anh rời khỏi EU (Brexit).
Cuối tuần trước, bà Merkel cũng tuyên bố sẽ theo đuổi phương án thành lập một đại liên minh, đồng thời tin tưởng rằng chính phủ hiện nay của bà vẫn có thể duy trì hoạt động cho tới khi một liên minh mới được thành lập. Hiện một số thành viên trong đảng của bà Merkel đang gây sức ép để có thể đạt được thỏa thuận thành lập đại liên minh vào Giáng sinh năm nay khi tuyên bố rằng “nếu CDU/CSU và SPD không tiến tới thỏa thuận vào thời điểm này, thì cũng đồng nghĩa với việc thất bại, các thành viên bảo thủ sẽ thiên về phương án thành lập một chính phủ thiểu số”.
Tuy nhiên, Thủ hiến bang Lower Saxony của SPD – ông Stephan Weil đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng các bên liên quan có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng về thành lập một đại liên minh trong năm 2017. Phát biểu trên hãng truyền hình ARD, ông Weil cho rằng: “Đây là một con đường dài đối với SPD”.
Trong khi đó, một cựu lãnh đạo của SPD – Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel lại nhận định một cách thận trọng về khả năng thành lập một liên minh. Ông Gabriel cho rằng, điều mà người dân Đức cần là một chính phủ đa số, đủ can đảm và có khả năng hành động nhằm bảo đảm vị trí của đất nước là một trong những nước đầu tàu trong khối EU./.