UNICEF cảnh báo nạn bạo lực đối với trẻ em

09:14, 03/11/2017

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 1/11 công bố báo cáo mới cho thấy bạo lực đối với trẻ em diễn ra phổ biến trong các hộ gia đình, các cơ sở giáo dục và các cộng đồng.

Dựa trên các số liệu mới nhất, báo cáo của UNICEF cảnh báo tình trạng một số lượng đáng kinh ngạc trẻ em, đặc biệt có một số trẻ chỉ 12 tháng tuổi, là nạn nhân của bạo lực từ chính những người có trách nhiệm chăm sóc các em. "Tình trạng lạm dụng trẻ em trên thế giới là một mối quan ngại thực sự" – ông Cornelius Williams, phụ trách bảo vệ trẻ em của UNICEF phát biểu trong một tuyên bố. “Những trẻ nhỏ bị tát, các bé gái và trai bị buộc tham gia vào hành vi tình dục, thanh thiếu niên bị ám sát trong cộng đồng. Bạo lực chống lại trẻ em không tránh ai và không có giới hạn".

Bạo lực gia đình bắt đầu từ thời thơ ấu

Theo UNICEF, 3/4 (khoảng 300 triệu) trẻ em từ 2 – 4 tuổi trên toàn thế giới là nạn nhân của tình trạng tấn công tâm lý và/hoặc trừng phạt thể chất trong chính nhà của các em, từ những người chăm sóc cho các em.

Gần 6 trong số 10 trẻ em 12 tháng tuổi ở 30 quốc gia thường xuyên phải chịu kỷ luật bạo lực. Trong gần 1/4 trẻ em ở độ tuổi này, tình trạng trừng phạt rất đáng báo động động và gần 1/10 là các em bị tát hoặc đấm vào mặt, vào đầu hoặc vào tai.

Trên toàn thế giới, trong số 4 trẻ em dưới 5 tuổi thì có 1 em sống chung với người mẹ cũng bị lạm dụng bởi người bạn đời thân thiết.

Tính trung bình, trong 28 quốc gia có số liệu về vấn đề này, 90% thanh thiếu niên trải qua quan hệ tình dục bắt buộc đã nói ra tác giả của vụ xâm hại đầu tiên là một người mà các em biết. Dựa trên dữ liệu từ 6 quốc gia, bạn bè và các bạn cùng lớp cũng như các đối tác là một trong những thủ phạm phổ biến nhất gây ra bạo lực tình dục đối với trẻ em trai vị thành niên.

Bạo lực trong trường học

Một nửa (732 triệu) trẻ em trong độ tuổi đến trường sống ở một quốc gia mà việc trừng phạt thể chất trong trường học không hoàn toàn bị cấm. Trong vòng 25 năm qua, 3/4 số vụ bắn súng trong các trường học xảy ra tại Mỹ.

Trong bối cảnh đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc hành động để loại bỏ bạo lực, hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ nhằm cải thiện các dịch vụ cung cấp cho trẻ em bị tác động bởi bạo lực, phát triển các chính sách và pháp luật để bảo vệ trẻ em và giúp đỡ cộng đồng, cha mẹ và trẻ em ngăn ngừa bạo lực thông qua các chương trình thực tiễn như các lớp dạy trẻ em và các sáng kiến nhằm chống lại bạo lực gia đình.

Để loại bỏ bạo lực đối với trẻ em, UNICEF kêu gọi các chính phủ phải có hành động ngay lập tức và cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác toàn cầu chấm dứt bạo lực đối với trẻ em./.