Liên minh Châu Âu (EU) và Vương quốc Anh đã phải tạm dừng việc ký kết thỏa thuận lịch sử về Brexit vào phút cuối vì các trở ngại liên quan đến vấn đề biên giới Ireland dù những cuộc đàm phán tại Brussels đã giải quyết xong hầu hết các bất đồng. Chủ yếu trong đó là các khúc mắc liên quan đến 3 vấn đề chính gồm số tiền mà Anh phải trả cho EU vì Brexit (có thể lên tới 63 tỷ USD), quyền của các công dân Châu Âu sinh sống tại Anh và đường biên giới giữa Cộng hòa Ireland và lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh.
Ngay trước khi một thỏa thuận lịch sử về Brexit được ký kết, thủ lĩnh đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (PUD) Arlene Foster bất ngờ nêu rõ sẽ không chấp nhận bất cứ thỏa thuận nào có thể chia cắt Bắc Ireland với phần còn lại của Vương quốc Anh về mặt kinh tế và chính trị. Sự phản đối này của chính đảng liên minh với đảng Bảo thủ đã buộc Thủ tướng Anh Theresa May phải tạm dừng cuộc làm việc với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker để điện đàm thuyết phục ông Foster nhưng chưa thành công. Tuy chỉ là đảng nhỏ, nhưng sự góp mặt của PUD trong chính phủ liên minh là không thể thiếu để cho phép chính phủ của đương kim Thủ tướng T.May giữ được thế đa số cần thiết tại nghị viện.
Nguyên nhân đảng PUD đưa ra phản đối vào phút chót được cho là vì những bất hợp lý liên quan tới cụm từ “điều chỉnh các quy định bất đồng” mà EU và Anh dự định đưa vào dự thảo thỏa thuận Brexit. Trong quan điểm của PUD, tuyên bố này đồng nghĩa với việc các bên gián tiếp cho phép các quy định của EU tiếp tục được áp dụng tại Bắc Ireland giai đoạn hậu chia tách để tương thích với phía Ireland. Điều đó khiến khu vực này bị tách biệt khỏi Vương quốc Anh. Hướng tiếp cận trên cũng bị nhiều nghị sĩ trong Chính phủ Anh hiện nay phản đối kịch liệt với lý do rằng, ý tưởng một phần của nước Anh sẽ ở lại EU sau Brexit là không thể chấp nhận được.
Lo lắng của PUD là có cơ sở bởi lẽ Bắc Ireland là lãnh thổ thuộc Anh nên sau Brexit, cũng là khi London rời khỏi Liên minh thuế quan và thị trường chung Châu Âu, Bắc Ireland sẽ phải tuân theo lối đi này. Như thế, luật lệ áp dụng trên vùng lãnh thổ này sẽ là luật lệ của Anh, buộc phải chấp nhận sự khác biệt với Cộng hòa Ireland. Thế nhưng, Dublin cũng phản đối cách chia cắt trên do lo ngại một đường biên giới cứng, chủ yếu để kiểm soát hải quan, được tái lập giữa hai phần của hòn đảo sẽ phá vỡ thỏa thuận hòa bình được ký kết năm 1998, tiềm ẩn nguy cơ đẩy cả khu vực quay lại tình trạng nội chiến như cách đây vài thập kỷ. Hơn nữa, một đường biên giới hình thành cũng sẽ tạo ra cản trở lớn đến lưu thông hàng hóa và trao đổi kinh tế giữa hai bên. Trong khi đó, EU ủng hộ quan điểm của Cộng hòa Ireland nhằm cho phép quy định của khối về thuế quan vẫn được áp dụng trên lãnh thổ Bắc Ireland.
Có thể thấy, dù rào cản mới bất ngờ nảy sinh, nhưng cả Thủ tướng T.May và Chủ tịch EC J.Juncker đều khá lạc quan và tuyên bố hai bên vẫn có thể kịp ký thỏa thuận Brexit trước khi cuộc họp Hội đồng Châu Âu diễn ra vào cuối tuần này. Nhìn chung, dù tạm thời bị gián đoạn, nhưng dường như một hiện thực thời kỳ hậu Brexit đã được định hình. Trong khi cả London và Brussels đều đã giải quyết được các vấn đề gai góc liên quan tới Brexit, những rào cản còn lại dường như khó trở thành vấn đề khiến các nhà lãnh đạo hai bên chùn bước. Tuy nhiên, cũng vì thế, yêu cầu giải quyết những bất đồng còn tồn tại xoay quanh vấn đề Ireland càng trở nên cấp thiết cho dù chủ đề này cần nhiều nỗ lực để vượt qua khác biệt.