Ngày 24/1, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các cá nhân và thực thể liên quan tới các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Trong tuyên bố cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, lệnh trừng phạt mới sẽ được áp đặt lên 16 cá nhân, 6 tàu của Triều Tiên và 9 thực thể - trong đó có 2 công ty thương mại đặt tại Trung Quốc được cho là đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên hợp quốc thông qua việc xuất khẩu một khối lượng hàng hóa trị giá 68 triệu USD sang Triều Tiên. Ngoài ra, các hãng trên cũng nhập khẩu một khối lượng hàng hóa trị giá hơn 19 triệu USD từ Triều Tiên.
Trong tổng số 16 cá nhân bị liệt vào bản “danh sách đen trừng phạt” của Mỹ thì có tới 10 cá nhân thuộc Tổng công ty Ryonbong của Triều Tiên vốn bị Mỹ cáo buộc là đóng vai trò đặc biệt trong các hoạt động mua bán vũ khí của Triều Tiên; 1 quan chức khác thuộc đảng Lao động Triều Tiên và 5 cá nhân còn lại được cho là có mối liên hệ với mạng lưới tài chính của Triều Tiên. Theo các biện pháp do Bộ Tài chính Mỹ vừa đưa ra, tất cả các tài sản, lợi ích tại Mỹ của các cá nhân thuộc diện trừng phạt sẽ bị phong tỏa. Ngoài ra, những tổ chức và các cá nhân Mỹ cũng bị cấm thực hiện giao dịch với những cá nhân bị liệt vào “danh sách đen” trừng phạt.
Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ, các lệnh trừng phạt mới được đưa ra nhằm phản ứng trước việc Triều Tiên tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và vi phạm các bản nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cảnh báo cơ quan này sẽ tiếp tục gây sức ép một cách có hệ thống nhằm vào các cá nhân và thực thể có các hoạt động hỗ trợ tài chính cho Triều Tiên và các chương trình phát triển vũ khí mà nước này đang theo đuổi. Ông Mnuchin cho biết, Mỹ còn đang nhằm mục tiêu vào một số cá nhân tại Nga, Trung Quốc và khu vực ly khai Abkhazia của Grudia có mối liên hệ với mạng lưới tài chính của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi 3 nước trên trục xuất các cá nhân này.
Các động thái gia tăng sức ép nhằm vào chính quyền Bình Nhưỡng được Washington đưa ra chỉ 1 tháng sau khi Bộ Tài chính Mỹ áp đặt lệnh phong tỏa tài sản và cấm giao dịch tài chính đối với 2 quan chức cấp cao Triều Tiên tham gia vào chương trình phát triển tên lửa đạn đạo mà nước này đang theo đuổi.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc coi hành động trên của Mỹ là một sự tái khẳng định lời cam kết nhằm giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời xem đây là một phần trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm hối thúc Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí ngày 24/1, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev đã lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Triều Tiên. Ông Kosachev nêu rõ “những biện pháp trừng phạt có quyền tồn tại chỉ trong trường hợp chúng được nhất trí tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và nếu trên thực tế, có thể thúc đẩy tình hình theo hướng giải quyết những vấn đề đang vướng mắc”. Ông Kosachev cho rằng, quyết định của Mỹ không rơi vào hai trường hợp này và đặc biệt lại được đưa ra vào thời điểm Hàn Quốc và Triều Tiên đang thúc đẩy các vòng đối thoại liên Triều, chính vì thế được xem là “bất hợp lý và không đúng lúc”./.