“Đoàn kết” và “đối thoại” là thông điệp bao trùm trong bài phát biểu của các nhà lãnh đạo thế giới nhân dịp Năm mới 2018.
Trải qua một năm 2017, với nhiều biến động và sự chia rẽ bao trùm, các nhà lãnh đạo hi vọng, năm 2018, thế giới sẽ đoàn kết hơn để cùng nhau vượt qua những thách thức lớn của thời đại từ kinh tế, xã hội, chính trị đến quân sự.
Trong thông điệp nhân dịp Năm mới, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 31/12 đã ra lời kêu gọi đoàn kết để đối với phó những mối nguy cơ đang đe dọa thế giới trong năm 2018 này. Ông Guterres bày tỏ lấy làm tiếc khi mong muốn về một năm 2017 hòa bình đã không thể thành công khi các cuộc xung đột tiếp tục leo thang và những mối nguy cơ mới xuất hiện. Khắp nơi trên thế giới, những lo ngại về vũ khí hạt nhân chưa bao giờ lớn như hiện nay kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Biến đổi khí hậu cũng diễn ra nhanh hơn và sự bất bình đẳng cũng lớn hơn. Các vấn đề đều trở nên quy mô toàn cầu.
Tuy nhiên, theo ông, thế giới hoàn toàn có thể chấm dứt được các cuộc xung đột, vượt qua sự hận thù và bảo vệ những giá trị chung thông qua sự đoàn kết. Trách nhiệm của các nhà lãnh đạo thế giới là phải xây dựng lại niềm tin để có thể tập hợp nhân dân quanh các mục tiêu chung.
Ông Guterres phát biểu: "Bước sang năm mới 2018, tôi kêu gọi thế giới đoàn kết. Tôi thực sự tin rằng, chúng ta có thể làm cho thế giới của chúng ta an toàn và an ninh hơn. Chúng ta có thể giải quyết được xung đột, vượt qua được sự hận thù và bảo vệ những giá trị chung. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm được điều đó cùng với nhau. Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới bước sang Năm mới cùng hành động để "thu hẹp khoảng cách, hàn gắn sự chia rẽ, tái gây dựng lòng tin bằng cách đoàn kết người dân xung quanh những mục tiêu chung. Đoàn kết là con đường. Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào điều này”.
Cũng với tinh thần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dành riêng một phần trong thông điệp Năm mới của mình để gửi tới người đồng cấp Mỹ Donald Trump, kêu gọi “một sự hợp tác thực chất” giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới và cũng là những nước đóng vai trò chi phối trong nhiều vấn đề toàn cầu hiện nay. Theo ông, một cuộc đối thoại xây dựng giữa Nga và Mỹ là đặc biệt cần thiết để tăng cường sự ổn định chiến lược trên thế giới. Sự tôn trọng lẫn nhau nên là nền tảng cho sự phát triển của các mối quan hệ giữa hai nước. Điều này sẽ cho phép Nga và Mỹ đi tới một sự hợp tác thực chất và lâu dài.
Trong thông điệp gửi tới Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người đứng đầu nước Nga bày tỏ mong muốn chân thành được chứng kiến sự tiếp tục những thay đổi quan trọng tại Syria trong năm năm 2018, và khẳng định, Nga sẽ tiếp tục thông qua mọi hình thức hỗ trợ nhằm giúp Syria bảo vệ chủ quyền, đoàn kết và toàn vẹn lãnh thổ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng thời gửi thông điệp tới nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác, đặc biệt là các nước thuộc Liên bang Xô viết trước đây, cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Nhân dịp này, ông đã gửi lời mời người đứng đầu nước Pháp thăm Nga thời gian tới và hi vọng hai bên có thể tiếp tục các cuộc đối thoại xây dựng.
Còn đối với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, năm 2017 vừa qua là một năm thử thách khi thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015 với các cường quốc phương Tây đứng trước nguy cơ đổ vỡ và các các cuộc biểu tình ủng hộ và chống chính phủ diễn ra thường xuyên. Chính vì thế, người đứng đầu nước Cộng hòa Hồi giáo đã dành phần lớn bài phát biểu của mình để kêu gọi đoàn kết để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn.
Tổng thống Rouhani nhấn mạnh người dân có quyền thể hiện quan điểm, song mọi hành động không được dẫn tới bạo lực và không được làm tổn hại tới tài sản công cộng. Ông nói: “Người dân Iran là những người hiểu rõ tình hình của đất nước cũng như của khu vực và thế giới, luôn dành tâm trí cho các vấn đề quốc gia. Trong những ngày gần đây, chúng ta đã chứng kiến một số cuộc biểu tình, cho thấy Iran là một đất nước tự do và theo hiến pháp, mọi người dân đều có quyền thể hiện quan điểm của mình đối với chính phủ, thậm chí là chỉ trích. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của các cuộc biểu tình phải hướng tới sự đoàn kết và cải thiện tình hình đất nước”.
Bài phát biểu được mong đợi nhất của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đáp ứng được sự mong đợi của dư luận khu vực và quốc tế. Trong thông điệp chào mừng Năm mới 2018, dù chưa thể khép lại cuộc chiến ngôn từ với Mỹ, song nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng tuyên bố nước này sẵn sàng đối thoại với Hàn Quốc về khả năng tham gia Thế vận hội (Olympic) mùa Đông Pyeongchang 2018, đồng thời cho rằng hai miền Triều Tiên cần cải thiện quan hệ.
Đây là lần đầu tiên Triều Tiên công bố chính thức về việc sẵn sàng tham gia Thế vận hội mùa đông Pyeongchang dự kiến ngày 9-25/2 tới.
Ông Kim Jong-un phát biểu: “Thế vận hội mùa đông được tổ chức tại Hàn Quốc sẽ là một dịp tốt đối với nước này. Chúng tôi chân thành hy vọng, sự kiện sẽ diễn ra thành công. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện nhiều bước đi, kể cả việc cử đoàn tham gia. Các quan chức của cả 2 miền Triều Tiên cần sớm gặp nhau để thảo luận về vấn đề này”.
Cũng trong thông điệp này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết Triều Tiên đã hoàn thành việc xây dựng lực lượng hạt nhân quốc gia, song khẳng định nước này sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân khi nào an ninh nước này bị đe dọa. Và thế giới hi vọng, Thế vận hội mùa đông Pyeongchang sẽ là điểm khởi đầu cho tiến trình đối thoại về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và sẽ là minh chứng rõ nhất cho thấy “hòa bình không phải là điều không thể khi thế giới đoàn kết”./.