Bất chấp phe đối lập và một số nước phương Tây, cùng Arab tẩy chay, Đại hội Đối thoại dân tộc Syria diễn ra tại Sochi (Nga) đã bế mạc vào rạng sáng ngày 31/1 (theo giờ Việt Nam). Nga- quốc gia bảo trợ tổ chức đại hội, tuyên bố Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria là bước tiến quan trọng đầu tiên trong việc hòa giải dân tộc ở quốc gia Trung Đông này.
Kết quả lớn nhất mà Đại hội Đối thoại dân tộc Syria đạt được là thông qua 3 văn kiện, trong đó đáng chú ý là lập danh sách ứng cử viên tham gia một ủy ban soạn thảo hiến pháp đặt trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ. Theo đó, Ủy ban hiến pháp sẽ bao gồm cả đại diện của chính phủ Syria cũng như phe đối lập để soạn thảo một hiến pháp cải tổ.
“Danh sách các thành viên tham gia ủy ban soạn thảo Hiến pháp sẽ được chuyển lên Liên Hợp Quốc. Ủy ban Hiến pháp Syria sẽ hoạt động tại Geneva, Thụy Sỹ theo đúng tinh thần Nghị quyết 2254 của Liên Hợp Quốc”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết.
Tuyên bố chung của Đại hội cũng nêu rõ, Syria phải trở thành một quốc gia dân chủ và không bè phái, không phụ thuộc vào tôn giáo, sắc tộc và giới tính, tôn trọng và bảo vệ tính tối thượng của pháp luật, phân chia quyền lực, hệ thống tư pháp độc lập, tất cả các công dân đều bình đẳng, đa dạng văn hóa trong xã hội.
Tuyên bố nhấn mạnh rằng chỉ có người dân Syria mới “quyết định được tương lai đất nước của mình bằng các phương tiện dân chủ, bằng con đường bầu cử và cần phải có đặc quyền quyết định thể chế chính trị, kinh tế và xã hội mà không bị áp lực hay sự can thiệp từ bên ngoài, phù hợp với quyền và nghĩa vụ quốc tế của Syria.
Theo giới quan sát, tuyên bố này đã phần nào phản bác những luận điệu của phương tây và một số nước Arab khi cho rằng, việc tổ chức Đại hội đối thoại dân tộc Syria tại Sochi là nước cờ của Nga nhằm đặt nền tảng cho một giải pháp có lợi cho đồng minh là Tổng thống Syria Bashar al assad cùng với Iran cũng như tạo cho Nga vị thế, tầm ảnh hưởng tại quốc gia Trung đông này.
Vượt qua những nghi kỵ ban đầu vốn phủ bóng đen lên đại hội, Nga đã khẳng định thực hiện đúng mục tiêu mà nước này đặt ra từ ban đầu là kêu gọi người dân Syria quyết định tương lai bằng lá phiếu phổ thông mà không có sức ép từ bên ngoài.
Nga tuyên bố, Đại hội Đối thoại dân tộc Syria nhằm tạo cơ hội cho các bên tìm kiếm hướng đi cho tương lai của đất nước cũng như thúc đẩy tiến trình dàn xếp chính trị thông qua một bản dự thảo hiến pháp mới và tiến hành tổ chức bầu cử.
Gần 1.400 đại biểu đại diện cho các tầng lớp xã hội Syria tham dự Đại hội đối thoại dân tộc Syria, cùng nhiều tổ chức quốc tế, khu vực được mời với tư cách quan sát viên đã cho thấy sự minh bạch của Đại hội.
Nga khẳng định những sáng kiến hòa bình của mình chỉ nhằm bổ sung, bổ trợ cho các vòng hòa đàm song song do Liên Hợp Quốc tổ chức. Cụ thể là không làm đối trọng hay cạnh tranh với vòng hòa đàm Syria do Liên Hợp Quốc bảo trợ tại Geneva như cáo buộc trước đó của phương Tây.
Sau 9 vòng hòa đàm do Liên Hợp Quốc bảo trợ thất bại, người dân Syria giờ đây có quyền hi vọng Đại hội đối thoại dân tộc tại Sochi sẽ đưa quốc gia Trung Đông thực hiện những bước đi đầu tiên để hướng tới một nước dân chủ, chủ quyền và hòa giải dân tộc, không bị biến thành bãi chiến trường của các thế lực nước ngoài trong cuộc chiến địa chính trị./.