Ngày 17-2, Thủ tướng Anh Theresa May đã kêu gọi cần nhanh chóng đạt được một thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề hợp tác an ninh giai đoạn hậu Brexit.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich đang diễn ra ở Đức, Thủ tướng May thừa nhận hiện chưa có thỏa thuận nào tồn tại giữa EU và một nước thứ 3 với nội dung sâu rộng như mối quan hệ hiện tại giữa Anh và EU. Tuy nhiên, bà cho rằng không có lý do gì để hai bên không tiến tới những cách thức thực tế để tạo ra "một mối quan hệ đặc biệt và sâu sắc" trong lĩnh vực an ninh. Bà nhấn mạnh: "Chúng ta không thể trì hoãn các cuộc thảo luận về vấn đề này".
Nhà lãnh đạo Anh cũng cảnh báo các đối tác châu Âu không nên để vấn đề chính trị ảnh hưởng tới hợp tác chống tội phạm và khủng bố. Theo Thủ tướng May, hiện không phải là thời điểm Anh và các nước châu Âu để sự cạnh tranh giữa các đối tác, những hạn chế mang tính thể chế cứng nhắc hay hệ tư tưởng ngăn cản hợp tác và gây nguy hiểm cho an ninh của các công dân tại châu Âu. Bà cảnh báo nếu không đạt được một thỏa thuận về an ninh trước thời điểm Anh rời khỏi EU vào tháng 3/2019, việc dẫn độ nhanh chóng những kẻ bị tình nghi đến các nước trong châu Âu theo hệ thống lệnh truy nã châu Âu "sẽ kết thúc". Và nếu Anh không còn là thành viên của Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) - cơ quan thực thi pháp luật của EU, hoạt động chia sẻ thông tin sẽ gặp trở ngại, từ đó làm suy yếu cuộc chiến chống khủng bố, tội phạm có tổ chức và các cuộc tấn công mạng. Bà cảnh báo điều này sẽ gây tổn hại đến cả Anh và EU và đặt toàn bộ công dân trước nguy cơ lớn hơn, đồng thời nhấn mạnh hai bên cần nhanh chóng tiến tới một hiệp ước an ninh "để bảo vệ các công dân châu Âu ở bất cứ nơi nào tại châu Âu".
Trước những quan ngại của một số chuyên gia về hợp tác trong vấn đề cảnh sát và an ninh có thể bị hạn chế do Anh từ chối chấp nhận quyền xét xử của Tòa án Tối cao châu Âu (ECJ) sau Brexit, Thủ tướng May khẳng định Anh sẽ "tôn trọng thẩm quyền" của ECJ khi hợp tác với các cơ quan EU, để đổi lại cho sự tôn trọng đối với quy chế đơn nhất của Anh như một nước thứ 3. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh là một nước ngoài EU, Anh sẽ có các luật lệ và nguyên tắc riêng, do đó ECJ sẽ không còn có quyền xét xử tại Anh.
Trong tài liệu "Tương lai Đối tác" về an ninh, tăng cường pháp luật và hình sự được công bố hồi tháng 9 năm ngoái, Chính phủ Anh tuyên bố Anh và EU cần có một hiệp ước an ninh mới cho thời hậu Brexit nhằm đảm bảo hợp tác có hiệu quả trên lĩnh vực chống khủng bố, tội phạm, đảm bảo an toàn cho các công dân tại châu Âu. Theo đó, Chính phủ Anh đã đưa ra "tham vọng" về hiệp ước an ninh mới bằng một khuôn khổ pháp lý mới nằm ngoài khuôn khổ của tòa án Công lý châu Âu. Anh cũng cho rằng cả Anh và EU đều có nghĩa vụ tuân theo hiệp ước mới này và cùng nhau đưa ra cơ chế chung nhằm giải quyết những tranh chấp nếu xảy ra giữa hai bên.
Anh và EU đã xúc tiến các cuộc đàm phán về thời kỳ chuyển tiếp dự kiến kéo dài 2 năm kể từ sau khi Anh chính thức rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019. Theo đó, London sẽ phải tuân thủ mọi quy định của EU và không có quyền đưa ra quyết định, đổi lại Anh được quyền tiếp cận với thị trường chung của khối. Tuy nhiên, bản dự thảo thỏa thuận do EU công bố ngày 8/2 đề cập đến khả năng áp đặt trừng phạt trong trường hợp Anh vi phạm quy định của EU. Hiện cả London và Brussels đều hy vọng kết thúc các cuộc đàm phán về giai đoạn chuyển tiếp vào cuối tháng 3/2018 để xúc tiến vòng thương lượng tiếp theo về các yếu tố chủ chốt của quan hệ thương mại trong tương lai giữa hai bên./.