Cộng đồng quốc tế tiếp tục cho thấy sự bất lực trong giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria. Rất nhiều cuộc họp, rất nhiều lời kêu gọi đã được đưa ra đều không thể ngăn chặn tình trạng xung đột tiếp diễn tại Đông Ghouta, một trong những điểm nóng quân sự ác liệt nhất hiện nay ở quốc gia Trung Đông này. Mối bất hòa giữa Nga và phương Tây hôm 12/3 đã một lần nữa khiến cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kết thúc mà không đạt được bất kỳ kết quả cụ thể nào.
Cuộc họp ngày 12/3 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là nhằm đánh giá lại nghị quyết 2401 đạt được hồi cuối tháng 2/2018 kêu gọi một lệnh ngừng bắn 30 ngày tại Syria. Tuy nhiên, sự kiện đã trở thành dịp để Mỹ và các đồng minh phương Tây chĩa mũi nhọn về phía Nga, cho rằng, Nga phải chịu trách nhiệm về thất bại của văn kiện này.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã trình Liên Hợp Quốc một bản dự thảo nghị quyết mới yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại Đông Ghouta, đồng thời chỉ trích thái độ của Nga và Syria, mà theo nước này là không hề cho thấy ý định thực thi lệnh ngừng bắn. Theo bà Nikki Haley, dự thảo nghị quyết mới dù đơn giản, nhưng lại có tính ràng buộc cao khi không cho phép bất kỳ bên nào vi phạm.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc đồng thời cảnh báo, nếu Hội đồng Bảo an không hành động, thì Mỹ sẵn sàng hành động khi cần thiết, ngầm ám chỉ một hành động giống như vụ Mỹ phóng tên lửa nhằm vào một căn cứ không quân ở Syria năm 2017 sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học chết người tại Khan Cheikhun.
“Chúng tôi cảnh báo bất kỳ quốc gia nào quyết tâm áp đặt ý chí của mình thông qua các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học. Mỹ sẵn sàng hành động nếu điều đó là cần thiết. Đó không phải là con đường mà chúng tôi thích, song đó lại là con đường mà chúng tôi phải đi. Chúng tôi sẵn sàng hành động”, ông nói.
Về phần mình, Pháp yêu cầu Nga sử dụng ảnh hưởng của mình nhằm chấm dứt “bể máu” tại Syria. Ngay trước cuộc họp, Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Francois Delattre tuyên bố, với ảnh hưởng đối với chính quyền Syria, cũng như sự can dự vào cuộc xung đột hiện nay, Nga có khả năng thuyết phục chính quyền Syria thông qua mọi sức ép có thể nhằm chấm dứt các cuộc tấn công trên bộ và trên không. Theo ông, vào thời điểm hiện nay, mọi hi vọng đều nằm ở nước Nga.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia đã ngay lập tức chỉ trích quan điểm của Mỹ và Pháp. Theo ông, đây là những “chỉ trích không hồi kết nhằm vào nước Nga”, một đường lối chính trị, mà động cơ không hề xuất phát từ những quan ngại về mặt nhân đạo tại Syria. Điều này càng cho thấy rõ quyết tâm của phương Tây muốn bảo vệ các nhóm đối lập tại Syria.
“Tất cả những gì đang diễn ra hiện nay là nhằm chuẩn bị cho việc sử dụng vũ lực đơn phương chống lại một quốc gia có chủ quyền. Cần phải nhấn mạnh, hoạt động chống khủng bố của quân đội Syria không phải là đi ngược lại với nghị quyết 2401. Syria có quyền tự vệ và loại bỏ bất kỳ mối đe dọa nào đối với sự an toàn của người dân”, ông Vassily Nebenzia nhấn mạnh.
Trước mối bất hòa không hồi kết giữa Nga và phương Tây, một trong những rào cản lớn nhất khiến hầu hết những nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho khủng hoảng Syria tới nay đều lâm vào bế tắc, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã bày tỏ sự thất vọng sâu sắc, nhất là khi chính điều này đã khiến tất cả các điều khoản của nghị quyết 2401 đều không được thực hiện.
Không vòng vây nào được gỡ bỏ, dù nghị quyết yêu cầu các bên chấm dứt việc bao vây những khu vực dân sự. Hoạt động sơ tán người bị ốm và bị thương cũng không thể được thực hiện, các đoàn xe cứu trợ nhân đạo cũng không thể tiếp cận với người dân theo đúng kế hoạch do bị các cuộc giao tranh cản trở dù đây là mục đích chính mà nghị quyết hướng tới.
Cuộc họp này là một trong những nỗ lực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng như Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhằm thu hút sự quan tâm quốc tế đối sự cấp thiết của việc thực thi đầy đủ nghị quyết 2401, chấm dứt việc bao vây Đông Ghouta thông qua đối thoại không chính thức giữa các thành viên của phe đối lập tại Syria và dân thường tại thực địa. Và hơn hết điều này cũng một lần nữa cho thấy sự bất lực của quốc tế trong giải quyết một trong những cuộc khủng hoảng dai dẳng nhất và gây chia rẽ nhất không chỉ tại Trung Đông, mà cả thế giơi./.