Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế (OECD) trong bản báo cáo công bố hôm 3/4 cảnh báo cuộc cách mạng tự động hóa sẽ lấy đi việc làm của 66 triệu người lao động tại các nước phát triển trong những năm tới. Cứ 7 người lao động tại 32 nước phát triển mà OECD tiến hành nghiên cứu thì có 1 người cần được hỗ trợ đào tạo kỹ năng mới do những công việc hiện nay của họ sẽ được thay thế bằng robot hoặc hệ thống tự động hóa.
Cũng theo báo cáo, 14% vị trí việc làm tại các nước phát triển là công việc tự động hóa cao, trong khi đó 32% việc làm khác khả năng cao sẽ thay đổi mạnh cách thức hoạt động so với hiện nay.
Cũng theo bản báo cáo, mức độ nguy cơ mất việc làm ở các nước rất khác nhau. Ví dụ như có tới 33% số việc làm ở Slovakia liên quan đến hoạt động tự động hóa thì con số này ở Na Uy chỉ chiếm có 6%.
Theo OECD, nhìn chung các nước nói tiếng Anh, các nước Bắc Âu và Hà Lan là những nước có việc làm liên quan đến tự động hóa ít hơn so với các nước ở Đông Âu, Nam Âu, Đức, Chile và Nhật Bản. Anh là nước được cho là ít bị ảnh hưởng nhất. Tuy vậy, tại Anh cứ 10 người thì có 1 người đối diện với nguy cơ cao mất việc và khoảng 25% lực lượng lao động sẽ buộc phải thay đổi việc làm. Tại Mỹ, robot hay hệ thống tự động hóa có thể "chiếm chỗ" của khoảng 13 triệu việc làm.
Bản báo cáo cũng cho biết, những lao động tay nghề thấp và những người trẻ tuổi là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Kêu gọi chính phủ các nước cần có kế hoạch để đối phó với nguy cơ về một làn sóng thất nghiệp tại nước mình, OECD cho rằng cần phải giúp những người trẻ tuổi có được kỹ năng làm việc ngay từ khi còn đang đi học và nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tái đào tạo và các chính sách bảo trợ xã hội cho những người lao động thuộc diện nguy cơ cao mất việc.
Những ngành nghề nào sẽ bị công nghệ thế chỗ?
Theo OECD, tự động hóa được cho là sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến ngành công nghiệp sản xuất tại các nhà máy, ngành nông nghiệp và một số trong lĩnh vực dịch vụ, như đưa thư, vận chuyển bưu phẩm, giao thông đường bộ và ngành dịch vụ ăn uống. Nhóm việc sẽ bị robot thay thế nhiều nhất là trong ngành chế biến thực phẩm, lau dọn vệ sinh và lao động tay chân.
Viện thông tin tuyển dụng Hàn Quốc (KEIS) mới đây cũng công bố báo cáo Triển vọng việc làm trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó, phân tích các ngành nghề có khả năng bị công nghệ, máy móc thay thế.
Theo dự đoán của KEIS, các ngành nghề đòi hỏi chuyên môn, độ phức tạp và sáng tạo cao, như nghiên cứu phát triển, quản lý quy trình hay chuyên gia luật là những ngành ít có khả năng bị thay thế.
Bên cạnh đó, các ngành không quá đòi hỏi chuyên môn nhưng cũng không định hình rõ ràng như dọn dẹp, trông nom chăm sóc bệnh nhân, nuôi dạy trẻ cũng thuộc nhóm ít có khả năng bị thay thế.
Ngược lại, không đòi hỏi độ phức tạp cao nhưng mang tính lặp lại rõ ràng như lắp ráp, tính toán, xuất nhập dữ liệu hay hướng dẫn sử dụng máy móc tỷ lệ cao sẽ bị công nghệ thế chỗ.
Trong khi đó, khả năng bị thay thế đối với các ngành nghề như kế toán hay hành chính luật, thông dịch, phiên dịch là ở mức trung bình bởi các lĩnh vực trên dù ít nhiều có tính lặp lại nhưng vẫn đòi hỏi chuyên môn cao.
Cũng theo báo cáo này của Viện thông tin tuyển dụng, có 10 ngành nghề có triển vọng phát triển mạnh trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó phải kể đến chuyên gia về trí thông minh nhân tạo, về cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) và khoa học nghiên cứu phát triển robot.
Ngược lại, có 6 ngành nghề đối mặt với việc bị thay thế bởi công nghệ, máy móc, trong đó có nhân viên tổng đài tư vấn, nhân viên một số ngành nghề đơn giản như sản xuất, chế tạo và nhân viên quầy thanh toán.