Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều diễn ra ngày 27/4 tại làng Bàn Môn Điếm trong khu phi quân sự tại biên giới đang thu hút sự chú ý của khu vực cũng như toàn thế giới, đặc biệt là các nước lớn có liên quan như Mỹ, Nga, và Trung Quốc.
Cuộc gặp giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên lần này là phiên thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây cũng là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên bước sang bên kia giới tuyến phân chia hai miền nam bắc kể từ năm 1953. Trọng tâm của thượng đỉnh lần này sẽ tập trung vào 3 vấn đề chính, bao gồm phi hạt nhân hóa, cải thiện quan hệ liên Triều và thúc đẩy hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.
Theo giới chức Mỹ và nhiều chuyên gia nước này thì cuộc gặp giữa lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có thể là khởi đầu tích cực cho tiến trình chấm dứt sự đối đầu căng thẳng kéo dài hơn 60 năm qua trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, cuộc gặp này có thể sẽ chưa mang lại các kết quả đột biến khi không thể ngay lập tức thu hẹp những khác biệt to lớn giữa hai miền.
Cuộc gặp này cũng khó mang lại các kết quả cụ thể trong giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên nhưng sẽ là cơ sở quan trọng để thúc đẩy cũng như phần nào quyết định mức độ thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, dự kiến diễn ra trong tháng 5 hoặc tháng 6 tới.
Cho đến thời điểm hiện nay, chưa ai có thể khẳng định các cam kết phi hạt nhân hóa của lãnh đạo Triều Tiên trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lại là người thường xuyên thay đổi quan điểm cũng như các tuyên bố mâu thuẫn.
Tuy nhiên, ngay trước thềm thượng đỉnh liên Triều, Nhà Trắng đã công bố một loạt các bức ảnh về cuộc gặp giữa tân Ngoại trưởng, lúc đó là Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ, CIA, ông Mike Pompeo đang tươi cười với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Động thái này cho thấy tiến trình bình thường hóa cũng như giảm bớt căng thẳng giữa Mỹ vàTriều Triên đang có nhiều tín hiệu tích cực./.