Guatemala đã quyết định trục xuất các Đại sứ của Thụy Điển và Venezuela với cáo buộc họ can dự vào công việc nội bộ của Guatemala. Giới chuyên gia lo ngại động thái này có thể làm bùng phát tranh cãi ngoại giao quốc tế.
Ngoại trưởng Sandra Jovel cho biết Đại sứ Thụy Điển Anders Kompass phải về nước vì ông này đã mô tả Guatemala là một "xã hội tham nhũng". Trong khi đó, Đại sứ Venezuela Elena Salcedo bị Guatemala cáo buộc có liên hệ với một tổ chức nông dân nước này chống Tổng thống Jimmy Morales.
Trong phản ứng của mình, ngày 11-5, Thụy Điển bày tỏ "thật đáng tiếc" về quyết định của Guatemala và đề nghị nước này giải thích rõ. Thụy Điển là một trong các nước ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với Ủy ban quốc tế (được Liên hợp quốc hậu thuẫn) phản đối quyền miễn trừ tại Guatemala (CICIG), được thành lập từ năm 2006 nhằm bài trừ tham nhũng và tội phạm có tổ chức tại nước này.
Mới đây, CICIG đã kêu gọi xóa quyền miễn trừ đối với tổng thống để đưa ông Morales ra điều tra. Các cơ quan này cũng đang nhắm vào cả con trai và anh trai của ông Morales.
Tổng thống Morales hiện đang phải đối mặt với 2 cáo buộc huy động tài chính bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2015 vì không báo cáo khoản tiền 2 triệu USD trong danh sách chi tiêu của đảng bảo thủ FCN-Nacion ủng hộ ông.
Cựu Ngoại trưởng Guatemala Gabriel Orellana cho biết quyết định của Tổng thống Morales trục xuất các đại sứ trên là "bằng chứng cho thấy sự không nhân nhượng trước mọi chỉ trích", song ông cũng cảnh báo việc này có thể dẫn tới hậu quả là châu Âu giảm viện trợ cho Guatemala.