Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút nước Mỹ khỏi thoả thuận hạt nhân Iran 2015, ba cường quốc châu Âu Đức, Anh, Pháp đã ra thông cáo chung khẳng định tiếp tục ủng hộ và thực thi thoả thuận này.
Trong thông cáo chung được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra chỉ ít giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút nước Mỹ khỏi thoả thuận hạt nhân Iran 2015, chính phủ ba nước Pháp, Anh và Đức cho biết “vẫn quyết tâm đảm bảo việc thực thi thoả thuận và sẽ hợp tác với các nước khác vẫn giữ vững cam kết”.
Trước đó, trong đầu giờ tối ngày 8/5, ba nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức cũng đã có các cuộc điện đàm và ngay lập tức sau khi ông Donald Trump thông báo quyết định từ phía Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng thông tin trên trang blog Twitter của mình rằng “các nước châu Âu sẽ hợp tác tập thể trong một khuôn khổ rộng hơn để kiểm soát các hoạt động hạt nhân của Iran, giai đoạn sau 2025, chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và sự ổn định ở Trung Đông, đặc biệt tại Syria và Yemen”.
Cũng trong tối ngày 8/5, các quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu cũng đã đưa ra phản ứng thống nhất rằng thoả thuận hạt nhân Iran 2015 cần phải được tôn trọng. Phát biểu trước báo giới tại Brussels, bà Federica Mogherini, người phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu, khẳng định thoả thuận hạt nhân Iran 2015 có tầm quan trọng thiết yếu cho an ninh toàn cầu, đồng thời chỉ trích chính sách đơn phương của Mỹ và tuyên bố chừng nào Iran còn tuân thủ thoả thuận thì Liên minh châu Âu sẽ vẫn tham gia thoả thuận.
Bà Federica Mogherini cho hay: “Liên minh châu Âu lấy làm tiếc trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ về thoả thuận hạt nhân Iran. Chúng tôi sẽ hoan nghênh nếu nước Mỹ xem lại quyết định này. Như chúng tôi luôn khẳng định, thoả thuận hạt nhân này không phải là một thoả thuận song phương nên nó không nằm trong tay bất cứ một quốc gia nào để bị chấm dứt một cách đơn phương. Thoả thuận này là một yếu tố quan trọng cho công cuộc cấm phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu và thiết yếu cho an ninh của khu vực, an ninh của châu Âu cũng như an ninh của toàn thế giới”.
Giới quan sát tại châu Âu nhận định, với việc nước Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân với Iran 2015, châu Âu giờ đây đang đứng trước các khó khăn lớn nếu muốn bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình tại Iran.
Theo lý thuyết, chính quyền Mỹ sẽ dành thời gian 3 đến 6 tháng trước khi áp dụng lại toàn bộ hoặc từng phần các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào chính quyền Iran nếu như trong thời gian đó các bên không đạt được thoả thuận nào khác.
Khi đó, các công ty châu Âu đang đầu tư tại Iran sẽ là bên chịu thiệt hại nặng nhất bởi châu Âu đã đầu tư hơn 20 tỷ euro vào Iran chỉ trong thời gian vài năm qua./.