Để ứng phó với tác động ngày càng tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cùng thống nhất phối hợp tăng cường hành động chung để giải quyết các rủi ro môi trường vốn là nguyên nhân gây ra 12,6 triệu ca tử vong mỗi năm.
Theo đó, Tổng thư ký WMO Petteri Taalas và Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ký kết một khuôn khổ hợp tác mới về khí hậu, môi trường và sức khỏe. Chương trình hợp tác này được thực hiện sau khi thiết lập liên minh toàn cầu giữa WMO, WHO và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vào ngày 24/5 tại Hội nghị Y tế Thế giới ở Geneva.
Trong tuyên bố được đưa ra, ông Tedro cho biết: “Mỗi năm, hơn 12 triệu người chết vì những rủi ro tiềm ẩn trong môi trường của chúng ta, do không khí chúng ta thở, nước chúng ta uống, hoặc hóa chất vô hình mà chúng ta thường xuyên tiếp xúc”. "Ngoài ra, khí hậu thay đổi còn cho chúng ta thấy nhiều điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn, bao gồm bão, hạn hán và những thay đổi trong các mẫu bệnh truyền nhiễm. Đó là lý do tại sao chúng tôi hợp tác với các cơ quan Liên hợp quốc khác để đẩy mạnh nỗ lực nhằm giải quyết các nguyên nhân môi trường sâu xa gây hại cho sức khỏe của con người” – ông lý giải.
Sử dụng dữ liệu thời tiết và khí hậu để đánh giá rủi ro tốt hơn
Thỏa thuận do WMO và WHO cam kết để đẩy nhanh hành động nhằm cải thiện các kết quả về mặt sức khỏe thông qua việc phát triển và sử dụng "các dịch vụ thời tiết và khí hậu có liên quan và thiết lập quy tắc về kết cấu khí quyển và thủy văn cùng những dịch vụ vận hành". Thỏa thuận phối hợp này cũng tập trung vào việc tăng cường sự hiểu biết và quản lý các rủi ro sức khỏe liên quan đến các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan và biến đổi khí hậu trong dài hạn. Điều này bao gồm việc truy cập và sử dụng dữ liệu thời tiết và khí hậu tốt hơn để đánh giá rủi ro, lập kế hoạch thích ứng và phát triển các dịch vụ phù hợp.
Khuôn khổ hợp tác của WHO và WMO cũng ưu tiên cải thiện việc giám sát và quản lý các rủi ro về sức khỏe liên quan đến môi trường như bức xạ tia cực tím, chất lượng không khí nguy hại và nước. Khuôn khổ này sẽ tạo điều kiện cho sự phối hợp chặt chẽ giữa các dịch vụ khí tượng trong việc theo dõi và dự đoán chất lượng không khí, và các cơ quan y tế trong xử lý tác động của việc con người tiếp xúc với các chất ô nhiễm.
Mục tiêu tổng thể là thúc đẩy các chính sách và thực tế có lợi cho sức khỏe cộng đồng và giảm phát thải khí nhà kính.
Đặc biệt chú ý đến các nước đang phát triển, nhất là các quốc đảo nhỏ
Thỏa thuận mới giữa WHO và WMO phù hợp với chương trình nghị sự quốc tế về phát triển bền vững, giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thỏa thuận đặc biệt chú ý đến các quần thể dễ bị tổn thương nhất của các nước đang phát triển, các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các khu vực đô thị.
Tổng thư ký WMO Petteri Taalas trích dẫn ví dụ về cơn bão Maria đã từng cướp đi sinh mạng của 64 người ở Puerto Rico. Theo một nghiên cứu mới của Đại học Harvard, cơn bão đã thực sự liên quan đến thêm 4,645 trường hợp tử vong – gấp hơn 70 lần so với ước tính chính thức, do sự sụp đổ của hệ thống chăm sóc sức khỏe, điện và cơ sở hạ tầng. “Điều này cho thấy ngoài số lượng thương vong ngay lập tức, thiên tai có tác động lâu dài đối với sức khỏe con người" – ông Taalas lưu ý. "Đó là lý do tại sao WMO đang xúc tiến các dịch vụ cảnh báo sớm nhiều nguy cơ chống lại những hiện tượng có tác động mạnh, chẳng hạn như những cơn bão nhiệt đới gây ra nhiều rủi ro leo thang".
Ngoài ra, Tổng thư ký WMO cũng cho biết "nhiều bệnh truyền qua vector như sốt rét và sốt xuất huyết phụ thuộc vào lượng mưa và nhiệt độ". Chính vì vậy, “cung cấp các dịch vụ khí hậu theo mùa là cần thiết để ngăn chặn và xử lý các bệnh nhạy cảm với khí hậu này”. Theo ông Taalas, những cảnh báo về khí hậu nóng ngày càng được sử dụng nhiều hơn như một công cụ để giảm tác động của sóng nhiệt lên sức khỏe con người./.