Chiến thắng của liên minh cánh tả Mexico và kỳ vọng tương lai

17:12, 03/07/2018

Cuộc tổng tuyển cử tại Mexico đã khép lại với chiến thắng vang dội thuộc về ứng cử viên tổng thống cánh tả Andrés Manuel López Obrador. Sự kiện này cho thấy sự kỳ vọng của người dân Mexico vào một sự thay đổi để đưa Mexico tiến lên.

Cam kết và những thách thức

 

Ngày 2/7/2018, Chủ tịch Cơ quan Bầu cử quốc gia Mexico (INE) Lorenzo Córdova Sueldo đã công bố kết quả kiểm phiếu nhanh cho biết ứng cử viên Andrés Manuel López Obrador đã giành được hơn 53% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 1/7. Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, trước những người ủng hộ, ông Andrés Manuel López Obrador, tuyên bố: "Chúng tôi sẽ luôn lắng nghe và quan tâm đến tất cả mọi người. Chúng tôi tôn trọng tất cả nhưng chúng tôi sẽ dành sự ưu tiên hàng đầu cho những người dễ bị tổn thương. Đó là tất cả những người Mexico, công dân Mexico. Vì lợi ích của tất cả, người nghèo sẽ là những người được quan tâm đầu tiên... Chúng tôi sẽ dựa trên ba nguyên tắc cơ bản để lãnh đạo đất nước: không nói dối, không ăn cắp, không chịu khuất phục... Tôi hứa và sẽ thực hiện! ".

Đó cũng là những cam kết của Tân Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador trước cử tri Mexico. Với cam kết này, Tân Tổng thống Mexico sẽ có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới để mang lại thay đổi lớn cho đất nước, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân.

Cuộc tổng tuyển cử tại Mexico diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị và xã hội của quốc gia này đang trong tình trạng u ám. Trong 6 năm cầm quyền vừa qua, đảng Cách mạng thể chế (PRI) đã để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp đối với người dân. Dưới chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Peña Nieto, nền kinh tế Mexico tăng trưởng thấp hơn so với dự kiến, tỷ lệ người nghèo có xu hướng tăng (tính đến cuối năm 2017, số người nghèo tại Mexico chiếm tới 53% tổng dân số); tỷ lệ việc làm phi chính thức vẫn ở mức cao (hơn 51% lực lượng lao động). Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính và Tín dụng công Mexico, nợ nước ngoài của quốc gia này trong giai đoạn 2012-2017 đã tăng từ 10,3% lên 17,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Các chuyên gia đánh giá nợ nước ngoài tăng mạnh là kết quả của “một chính sách sai lầm" vì chính phủ đã đặt cược vào các khoản vay từ nước ngoài" để tạo ra tăng trưởng kinh tế, thay vì thúc đẩy nền kinh tế từ nội lực". Bộ Tài chính và Tín dụng công Mexico dự báo nợ công của nước này sẽ lên tới 47,3% GDP vào cuối năm 2018.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tội phạm tăng mạnh (chỉ tính riêng trong chiến dịch vận động tranh cử đã có trên 133 ứng cử viên, chính trị gia và các nhà hoạt động xã hội bị sát hại) và đấu tranh chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả.

Trong khi đó về đối ngoại, trong 4 năm đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Peña Nieto vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại trung lập trong các vấn đề khu vực, tăng cường và củng cố quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, kể từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, chính sách đối ngoại của Mexico đã xoay chiều theo hướng nghiêng về một phía (cụ thể là Mỹ) trong các vấn đề của khu vực, đặc biệt liên quan tới tình hình Venezuela.

Mặc dù vậy, quan hệ giữa Mexico và Mỹ quốc gia láng giềng đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất, lại đang trong tình trạng tồi tệ nhất trong lịch sử. Điều này có thể nhận thấy qua một loạt các vấn đề như đề xuất của Tổng thống Trump xây dựng bức tường biên giới với Mexico để ngăn dòng người nhập cư trái phép và nguồn ma túy từ các quốc gia Trung Mỹ đổ vào Mỹ, đồng thời yêu cầu Mexico phải thanh toán chi phí cho dự án này. Chính quyền Tổng thống Trump cũng chỉ trích Mexico đã gần như đã “ngồi yên” trong vấn đề người di cư trái phép đi qua nước này để tới biên giới chung với Mỹ. Trong khi đó, Mexico luôn khẳng định sẽ không thanh toán dưới bất kỳ hình thức nào cho việc xây bức tường biên giới chung, cũng như chính sách di trú của nước này thuộc phạm vi chủ quyền và không chấp nhận sự can thiệp từ bên ngoài.

Cùng với đó là những căng thẳng xung quanh quá trình tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA - gồm Mexico, Mỹ và Canada) với những yêu sách của Mỹ. Mới đây nhất là các biện pháp áp thuế của Mỹ đối với mặt hàng nhôm và thép của Mexico khiến Mexico có các biện pháp đáp trả với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Mỹ.

Tất cả những vấn đề này sẽ là thách thức mà tổng thống mới đắc cử của Mexico López Obrador cần phải giải quyết trong thời gian tới.  

Thực tế cho thấy, trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mexico, ông López Obrador được đánh giá là có cơ hội đắc cử cao với kinh nghiệm qua hai cuộc tổng tuyển cử năm 2006 và 2012. Thêm vào đó, trong thời gian đảm nhiệm cương vị Thị trưởng thủ đô Mexico City  giai đoạn 2000-2005, ông đã có những thành công nhất định như giảm tỷ lệ tội phạm, thúc đẩy các chương trình xã hội cho người cao tuổi, chỉ số đầu tư xã hội tăng đáng kể...  Đặc biệt, trong các chiến dịch vận động tranh cử, ông López Obrador đã cam kết giảm bớt sự phụ thuộc của kinh tế Mexico vào các cường quốc, thực hiện chính sách tài chính chặt chẽ, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, tăng cường đầu tư cho an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, nâng cao mức sống, duy trì trật tự an ninh, tái thiết quốc gia...

Về phần mình, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto sắp mãn nhiệm đã chúc mừng ông Obrador, đồng thời cam kết phối hợp trong tiến trình chuyển giao quyền lực. Ông khẳng định chính phủ đương nhiệm sẽ dành sự ủng hộ và chuyển giao quyền lực cho chính phủ kế nhiệm cách hiệu quả nhất. Tổng thống Nieto tuyên bố tất cả người dân Mexico đang mong đợi chính phủ mới sẽ điều hành thành công vì lợi ích của đất nước. Ông cũng kêu gọi người dân Mexico đoàn kết vì sự phát triển và phồn thịnh của đất nước.

Hy vọng chính sách đối ngoại của Mexico sẽ khởi sắc

Sau khi ứng cử viên López Obrador giành được hơn 53% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử tổng thống, nhiều lãnh đạo trong khu vực và trên thế giới đã chúc mừng nhà lãnh đạo mới của Mexico.

Chủ tịch Cuba Miguel Díaz Canel đã gửi điện chúc  mừng “chiến thắng lịch sử” của ứng cử viên cánh tả Obrador. Vụ trưởng Vụ Mỹ Latinh của Bộ Ngoại giao Cuba Eugenio Martínez đã công bố thông tin trên tại tài khoản Twitter cá nhân của mình và được báo mạng chính thống Cubadebate đăng tải lại.

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro cũng đã đăng tải thông điệp chúc mừng Tổng thống đắc cử Obrador, và khẳng định với chiến thắng của ông, niềm hy vọng về Tổ quốc lớn Mỹ Latinh lại được tiếp thêm sinh lực mới. Tương tự, Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodríguez và Chủ tịch Quốc hội lập hiến quốc gia Nam Mỹ này - ông Diosdado Cabello cũng lên tiếng chúc mừng sự lựa chọn của nhân dân Mexico.

Tổng thống Ecuador Lenin Moreno cũng chúc mừng chiến thắng của ông López Obrador, đồng thời cam kết “tăng cường quan hệ” với Mexico.

Tổng thống El Salvador Salvador Sanchez Ceren khẳng định nước này sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị sâu sắc vì sự thịnh vượng của người dân El Salvador và Mexico.

Từ Bolivia, Tổng thống nước này Evo Morales bày tỏ tin tưởng chính phủ mới của Mexico sẽ viết nên một trang mới trong lịch sử châu Mỹ Latinh. Trong khi đó, Tổng thống sắp mãn nhiệm Colombia Juan Manuel Santos bày tỏ hy vọng ông Lopez Obrador sẽ duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã chúc mừng ứng cử viên Lopez Obrador, đồng thời bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với nhà lãnh đạo mới của Mexico. Trên trang mạng Twitter, ông Trump viết rằng có nhiều việc phải làm để mang lại lợi ích cho cả Mỹ và Mexico.

Từ Canada, Thủ tướng nước này Justin Trudeau gửi lời chúc mừng ông Obrador, cho rằng Mexico và Canada chia sẻ nhiều mục tiêu chung trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại.

Cùng với lãnh đạo các nước láng giềng Mỹ, Canada, cũng như các nước Mỹ Latinh chúc mừng thắng lợi của ông López Obrador, Đại sứ Nga tại Mexico Eduard Malayan cho biết Moskva hy vọng duy trì mối quan hệ xây dựng với Mexico dưới thời chính quyền của tổng thống mới. Đại sứ Malayan nhấn mạnh Nga và Mexico đã có truyền thống duy trì các quan hệ hữu nghị và mang tính xây dựng được gần 130 năm.

Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) José Ángel Gurría đã gửi lời chúc mừng tới ông López Obrador. Ông Gurría nhấn mạnh: “Là công dân Mexico và là Tổng Thư ký của OECD, tôi rất vui mừng và sẵn sàng hỗ trợ chính phủ mới trong việc thiết lập và thực hiện các chính sách tốt nhất trong việc thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và bền vững". Người đứng đầu OECD khẳng định tổ chức này luôn sẵn sàng hỗ trợ Mexico nhằm cải thiện các chính sách xã hội, giáo dục, lao động, tài chính, thương mại, tư pháp; hỗ trợ cuộc chiến chống đói nghèo và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng và bất bình đẳng giới... Các đề xuất về chính sách của OECD để hỗ trợ và hợp tác với chính phủ mới của Tổng thống López Obrador đều nằm trong văn kiện “Những chiến lược ưu tiên cho Mexico”.

Trong một động thái ngoại giao đầu tiên, ngày 2/7, Tổng thống đắc cử Mexico Andrés Manuel López Obrador đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump và đề xuất sẽ kiềm chế tình trạng di cư sang Mỹ để đổi lấy sự hỗ trợ của Washington.

Viết trên trang mạng Twitter sau khi đắc cử Tổng thống Mexico, ông López Obrador nêu rõ: "Tôi đã nhận được một cuộc điện thoại từ Tổng thống Donald Trump và chúng tôi đã nói chuyện trong 30 phút". Ông López Obrador cho biết, trong cuộc điện đàm, ông đã đề xuất xem xét một thỏa thuận toàn diện liên quan tới các dự án phát triển giúp tạo việc làm ở Mexico, qua đó có thể kiềm chế làn sóng di cư và cải thiện an ninh.

Tổng thống đắc cử Mexico nhận định cuộc điện đàm diễn ra trên tinh thần thiện chí và tôn trọng lẫn nhau. Các đại diện của hai bên sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc đối thoại.

Trong khi đó, tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump xác nhận ông đã thảo luận với Tổng thống đắc cử Mexico. Ông Trump nhận định cuộc điện đàm diễn ra tốt đẹp, đồng thời bày tỏ tin tưởng nhà lãnh đạo mới của Mexico sẽ trợ giúp Washington trong vấn đề biên giới. Ông cho biết hai bên cũng đã thảo luận về Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và khả năng có một thỏa thuận thương mại riêng giữa Mexico và Mỹ.

Các chính sách phản đối nhập cư và thương mại tự do của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phủ bóng đen lên mối quan hệ giữa nước này và Mexico. Giới phân tích nhận định ông Lopez Obrador dường như không phải là người chủ trương hàn gắn các mối quan hệ với quốc gia láng giềng phía Bắc đồng thời là đối tác thương mại chủ chốt của Mexico. Tuy nhiên, phát biểu sau khi đắc cử tổng thống, ông Obrador bày tỏ mong muốn một mối quan hệ "hữu nghị và hợp tác" với Mỹ. /.