Nghị viện châu Âu hôm qua (4/7) đã "bật đèn xanh" cho phép Ngân hàng đầu tư châu Âu hoạt động kinh doanh tại Iran. Đây là quyết định đánh dấu một nỗ lực lớn của khối này nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 sau khi Mỹ đơn phương quyết định rút khỏi.
Chiến dịch của nhóm nghị sĩ cánh hữu "Châu Âu tự do và Dân chủ trực tiếp", trong đó có Đảng độc lập Vương quốc Anh nhằm ngăn cản Ủy ban châu Âu dỡ bỏ các hạn chế đối với Ngân hàng đầu tư châu Âu tại Iran, dự kiến có hiệu lực vào đầu tháng 8 tới, đã thất bại khi chỉ nhận được 93 phiếu thuận, 573 phiếu chống và 11 phiếu trắng.
Ngân hàng đầu tư châu Âu, cánh tay đầu tư dài hạn phi lợi nhuận của Liên minh châu Âu là một trụ cột quan trọng trong nỗ lực duy trì mối liên hệ kinh doanh với Iran khi Mỹ quyết định tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo.
Tuy nhiên, quyết định của các nhà lập pháp EU không bắt buộc Ngân hàng đầu tư châu Âu phải làm việc với Iran, một bước đi có thể gây nguy hiểm cho khả năng huy động vốn trên thị trường Mỹ và do đó sẽ gây ản hưởng tới các hoạt động của ngân hàng.
Các chính phủ Liên minh châu Âu về mặt kỹ thuật vẫn có thể ngăn chặn đề xuất của Ủy ban châu Âu, song chắc chắn sẽ không làm như vậy bởi các nhà lãnh đạo EU đã công khai ủng hộ kế hoạch cho vay của Ngân hàng đầu tư châu Âu tại một hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 5 vừa qua.
Quyết định của Nghị viện châu Âu là một bước đi có ý nghĩa biểu tượng cao, gia tăng động lực cho Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini, người sẽ chủ trì một cuộc họp với ngoại trưởng các nước Iran, Trung Quốc, Pháp, Đức và Anh tại Viên trong ngày hôm nay để thảo luận về những nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân.
Iran đã yêu cầu một cuộc họp nhằm thảo luận về các nỗ lực của châu Âu bảo vệ thỏa thuận hạt nhân sau quyết định hôm 8/5 của Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi văn kiện và khôi phục các lệnh trừng phạt chống nước này.
Dự kiến những biện pháp trừng phạt bắt đầu có hiệu lực vào tháng 8 tới, song một số công ty châu Âu đã thông báo sẽ rút khỏi các thỏa thuận kinh danh với Iran.
Các trụ cột trong chiến lược của Liên minh châu Âu là các khoản vay của Ngân hàng đầu tư châu Âu, một biện pháp đặc biệt để bảo vệ các công ty của Liên minh châu Âu khỏi những lệnh trừng phạt phái sinh của Mỹ và một đề xuất của Ủy ban châu Âu để các chính phủ châu Âu có thể chuyển tiền trực tiếp cho Ngân hàng trung ương Iran để tránh các trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên, Ngân hàng đầu tư châu Âu, có trụ sở tại Luxembourg lo ngại về đề xuất kinh doanh tại Iran, cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể làm mất khả năng huy động vốn trên các thị trường Mỹ./.