Theo báo cáo mới nhất vừa được FAO công bố, do thiếu đầu tư tài chính cần thiết, nhiều thách thức mới như: Hạn hán, lũ lụt, mùa vụ cằn cỗi hay các cuộc xung đột có thể khiến hàng triệu người phải chịu khổ cực nghiêm trọng do nạn đói và dẫn tới bất ổn lương thực, đe dọa phúc lợi, cuộc sống và tương lai của họ.
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) báo động về nhiều cuộc khủng hoảng không được đầu tư tài chính trên thế giới và hiện phải đối mặt với nhiều cú sốc lớn đòi hỏi cần có giải pháp nhân đạo và hỗ trợ nông nghiệp khẩn cấp.
Theo báo cáo mới nhất vừa được FAO công bố, do thiếu đầu tư tài chính cần thiết, nhiều thách thức mới như: hạn hán, lũ lụt, mùa vụ cằn cỗi hay các cuộc xung đột có thể khiến hàng triệu người phải chịu khổ cực nghiêm trọng do nạn đói và dẫn tới bất ổn lương thực, đe dọa phúc lợi, cuộc sống và tương lai của họ.
Những trường hợp khẩn cấp cần được quan tâm như: Afghanistan, Sudan và Syria bị ảnh hưởng bởi hạn hán, Bangladesh bị tác động bởi vụ mùa đặc biệt bất lợi, bạo lực bùng phát tại Cộng hòa Trung Phi, mùa bão tại Haiti và mùa vụ cằn cỗi ở Iraq, Myanmar và khu vực Sahel.
Nếu không có viện trợ khẩn cấp để hỗ trợ các sinh kế nông nghiệp thì nguy cơ tình hình có thể xấu đi một lần nữa tại các khu vực này trong nửa sau năm 2018, đặc biệt với sự gia tăng nạn đói và các nhu cầu nhân đạo. Tại một số quốc gia, các khoản đầu tư nhận được dành để thực hiện các hoạt động nhân đạo nhằm hỗ trợ sinh kế đáp ứng nhu cầu của họ.
Đối với các cuộc khủng hoảng thiếu đầu tư, FAO cho biết đang rất cần 120 triệu USD để trợ giúp cho 3,6 triệu người trong những tháng cuối năm nay. Tuy nhiên, tổng số, FAO mới chỉ nhận được chưa đầy 30% trong 1 tỷ USD yêu cầu từ đầu năm nay, để đáp ứng nhu cầu cấp bách của 33 triệu người trên thế giới. Đối với một số cuộc khủng hoảng, FAO đã chỉ nhận được 6% số tiền yêu cầu, trong bối cảnh hàng triệu người phải chịu tình trạng thiếu đói nặng nề.
Ông Dominique Burgen, Giám đốc Bộ phận khẩn cấp và phục hồi của FAO, đồng thời phụ trách chương trình chiến lược phục hồi, cho biết: “Chúng tôi muốn nhấn mạnh nhu cầu thiết yếu của các cuộc khủng hoảng không được đầu tư tài chính trong khi các nguồn lực của chúng tôi hiện rất hạn chế. Chúng ta phải bảo đảm rằng không ai bị bỏ lại. Chúng ta phải hành động ngay để thực hiện các biện pháp can thiệp khẩn cấp nhằm hỗ trợ an ninh lương thực và sinh kế để cứu lấy sự sống của người dân, bảo vệ các sinh kế và tăng cường khả năng phục hồi đối mặt với những cuộc khủng hoảng trong tương lai. Với sự giúp đỡ của các đối tác, chúng tôi có thể tránh được tình trạng an ninh lương thực tiếp tục suy giảm hơn nữa trong một số cuộc khủng hoảng bị bỏ quên nhất của năm 2018".
Tại Syria, thông tin mới nhất cho thấy hạn hán ở một số nơi trên đất nước này có thể làm trầm trọng thêm những ảnh hưởng của nhiều năm xung đột và di cư của người dân, tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất lương thực. Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng song nông nghiệp vẫn tiếp tục đem lại gần một nửa nguồn cung lương thực cho đất nước, như một phao cứu sinh cho hàng triệu người dễ bị tổn thương.
Tại Sahel, những người chăn nuôi gia súc đang phải vật lộn để đối phó với ảnh hưởng của hạn hán từ năm ngoái, cũng như cuộc xung đột đang diễn ra và tình trạng mất an ninh trong khu vực. Tình hình này đòi hỏi cần trợ giúp khẩn cấp để bảo vệ các đàn gia súc và ứng phó với sự gia tăng đau khổ gắn liền với nạn đói.
Tại Sudan, nhu cầu nhân đạo vẫn ở mức cao, do giá lương thực tăng cao, mùa vụ cằn cỗi, người dân di cư ồ ạt, các sinh kế bị phá vỡ, nghèo đói và tác động của thiên tai như hạn hán.
Trong bối cảnh đó, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc tiến hành cung cấp giống cây trồng và rau, công cụ và thức ăn cho động vật, sửa chữa các điểm cấp nước và cơ sở hạ tầng nước, tiêm phòng bệnh cho gia súc, đưa ra các khuyến nghị để quản lý tốt hơn nước và đất.../.