Phát biểu trước Hội đồng Bảo an ngày 23/8, Phó Tổng thư ký Văn phòng chống khủng bố của Liên hợp quốc Vladimir Voronkov cảnh báo tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn gây ra mối lo ngại nghiêm trọng mặc dù đã chịu nhiều thất bại nặng nề.
Báo cáo về mối đe dọa mà IS gây ra đối với an ninh quốc tế, ông Voronkov một lần nữa nhấn mạnh rằng kể từ cuối năm 2017, IS đã bị đánh bại tại Iraq và đang rút vào hoạt động ngầm tại Syria. Tổng số thành viên của IS hiện ở Iraq và Syria ước tính khoảng hơn 20.000 người, thành viên gần bằng nhau giữa hai nước.
Theo quan chức của Liên hợp quốc, một phần cốt lõi của IS dự kiến sẽ vẫn tồn tại ở Iraq và Syria trong trung hạn, do các cuộc xung đột vẫn tái diễn và nhiều vấn đề phức tạp trong quá trình ổn định đất nước.
Ngoài ra, ông Voronkov cũng nhấn mạnh những thách thức đặt ra do các chiến binh khủng bố từng đến Iraq và Syria để gia nhập IS trở về nước, mạng lưới toàn cầu của IS nhất là từ các tay súng khủng bố nước ngoài, cũng như việc IS phát triển từ một kết cấu nhà nước ban đầu thành một mạng lưới ngầm... "Một trong những mối nguy hiểm đặt ra do sự trở lại của các chiến binh khủng bố nước ngoài nằm trong các kỹ năng họ có được trong các vùng xung đột, chẳng hạn như các kỹ năng cần thiết để chuẩn bị thiết bị nổ và biến máy bay thành vũ khí" – ông lưu ý.
Phó Tổng thư ký Văn phòng chống khủng bố của Liên hợp quốc Vladimir Voronkov nhấn mạnh sự phát triển của IS từ một cấu trúc nhà nước thành một mạng lưới bí mật cũng đặt ra những thách thức mới. Do đó, các khoản tài chính của IS ở Trung Đông ngày càng khó phát hiện và phân tích hơn, và các chức năng hành chính quản lý tài chính trở nên bí mật.
Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc cho rằng các nước thành viên và cộng đồng quốc tế phải tăng cường nỗ lực để chống lại mối đe dọa từ IS, vốn đang gia tăng nhanh chóng. Để chống lại mối đe dọa này, "hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin và xây dựng năng lực là rất cần thiết" – ông nói.
Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành của Ủy ban chống khủng bố (CTED) Michèle Coninsx cũng nhấn mạnh với Hội đồng Bảo an rằng mặc dù số lượng các chiến binh khủng bố nước ngoài quay trở lại không cao cho đến nay, song con số này vẫn là một vấn đề nghiêm trọng đối với các nước thành viên. “Tăng cường hợp tác tư pháp và hỗ trợ pháp lý lẫn nhau do đó vẫn rất quan trọng" – bà Coninsx khẳng định, đồng thời nói thêm rằng các quốc gia cần phát triển các chiến lược đưa ra những biện pháp về mặt pháp lý thích hợp liên quan đến những chiến binh thánh chiến này.
Các chiến binh khủng bố nước ngoài đã bị giam giữ cũng đặt ra một nguy cơ tiềm ẩn dẫn tới thái độ và hành động cực đoan của các tù nhân khác trong các nhà tù mà họ bị giam giữ. Do đó, cần nỗ lực hơn nữa để bảo đảm an ninh tại các trại giam, các điều kiện giam giữ và rủi ro cụ thể liên quan đến các tù nhân cực đoan bạo lực./.