Liên hợp quốc hoan nghênh Nam Sudan đạt được thỏa thuận về chia sẻ quyền lực

14:15, 08/08/2018

Việc các bên tại Nam Sudan đạt được thỏa thuận về chia sẻ quyền lực đã đánh dấu một bước tiến mới quan trọng trong tiến trình hướng tới hòa bình ở nước này.

 

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 6/8 đã hoan nghênh thỏa thuận chia sẻ quyền lực được ký bởi các nhà lãnh đạo Nam Sudan, đồng thời đề nghị các bên nhanh chóng đạt được một thỏa thuận cuối cùng nhằm chấm dứt 5 năm nội chiến.

Tổng Thư ký cho rằng, đây là một bước tiến quan trọng trên con đường hướng tới việc khôi phục một thỏa thuận hòa bình từng được ký vào năm 2015. Ông kêu gọi các bên làm việc bằng lòng tin và thể hiện cam kết để thực hiện đầy đủ và hoàn thành thỏa thuận này càng sớm càng tốt.

Phát biểu của Tổng Thư ký Antonio Guterres đưa ra sau khi Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và thủ lĩnh phe nổi dậy, cựu Phó Tổng thống Nam Sudan Riek Machar ký kết thỏa thuận vào ngày 5/8 tại thủ đô Khartoum của Sudan. Thỏa thuận cho phép ông Machar trở lại nắm một trong 5 vị trí Phó Tổng thống trong chính phủ thống nhất quốc gia và chính phủ chuyển tiếp sẽ có 35 bộ trưởng, gồm 20 người là đồng minh của ông Kiir và 9 người ủng hộ ông Machar cùng với những đại diện của các phe phái khác.

Cách đây 3 năm, một thỏa thuận hòa bình đã được hai bên ký kết vào ngày 27/8/2015 với sự chứng kiến của các nhà trung gian hòa giải khu vực châu Phi, song đụng độ vẫn xảy ra và cả hai bên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận.

Việc các bên tại Nam Sudan đạt được thỏa thuận về chia sẻ quyền lực vào ngày 5/8/2018 là kết quả của những nỗ lực đàm phán với sự hỗ trợ của các nước trong khu vực, mở ra triển vọng tươi sáng, hướng tới hòa bình lâu dài tại quốc gia này.

Mới giành độc lập được 7 năm, Nam Sudan trở thành quốc gia trẻ tuổi nhất thế giới. Tuy nhiên, mâu thuẫn chính trị giữa hai nhà lãnh đạo đã khiến đất nước rơi vào xung đột đẫm máu. Kể từ tháng 12/2013 đến nay, hàng chục nghìn người đã thiệt mạng trong khi hơn 4 triệu người mất nhà cửa, khoảng 2 triệu người đã phải chạy trốn sang các quốc gia láng giềng./.