Với quyết tâm xây dựng nền kinh tế số hóa và coi đó là ưu tiên hàng đầu của Nga trong những năm tới, Tổng thống Nga V.Putin nhấn mạnh rằng: “Không có nền kinh tế kỹ thuật số thì chúng ta không thể thực hiện được sự chuyển đổi về mặt công nghệ tiên tiến cho nền kinh tế và điều này cũng đồng nghĩa là đất nước chúng ta sẽ không có tương lai!”.
Sau khi nhậm chức nhiệm kỳ mới, ngoài việc bổ nhiệm ông Dmitry Peskov (trùng họ tên với người phát ngôn của Tổng thống) làm trợ lý chuyên trách về kỹ thuật số cho mình, ông V.Putin còn bổ sung chức năng mới cho Bộ Thông tin và Truyền thông đại chúng và đổi tên cơ quan này thành Bộ Phát triển kỹ thuật số, Thông tin và Truyền thông đại chúng.
Từ năm 2017, khi ông Putin còn chưa tái tranh cử, Chính phủ Nga đã soạn thảo và thông qua chương trình chuyển đổi nền kinh tế sang mô hình số hóa đến năm 2024 với các định hướng và mục tiêu cụ thể.
Về xây dựng các chuẩn mực pháp lý và các quy định của quốc gia
Chính phủ Nga đặt ra 2 mục tiêu cơ bản trong lĩnh vực này. Thứ nhất, vừa loại bỏ được những rào cản mang tính pháp lý đồng thời xây dựng được những cơ quan có thẩm quyền về luật pháp nhằm giải quyết được những vấn đề trọng tâm và then chốt nhất cho việc hình thành nền kinh tế kỹ thuật số.
Thứ hai là tạo lập được cơ chế quản lý thường xuyên và kịp thời những thay đổi (kể cả về mặt khái niệm) trong quá trình vận hành nền kinh tế số hóa.
Dự kiến trong năm 2019 xác định được các khái niệm pháp lý cơ bản có liên quan tới các mối quan hệ trong nền kinh tế kỹ thuật số để trên cơ sở đó năm 2020 thông qua đạo luật cơ bản cho lĩnh vực này. Cùng với các văn bản pháp lý khác, đạo luật vừa giúp xác định được các khái niệm cũng như quy tắc căn bản trong các quy định pháp luật cho nền kinh tế số hóa cùng các nét đặc thù lại vừa định vị được quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào lĩnh vực này cùng với cơ chế để xử lý những vấn đề phát sinh. Ngoài ra, đạo luật còn nhằm xác định các cơ chế cho việc áp dụng chế độ pháp lý đặc biệt để khuyến khích sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số và các vấn đề về giá trị pháp lý của dữ liệu số cũng tương tự như những dữ liệu đang được lưu hành dưới dạng văn bản in trên giấy.
Chương trình cũng xác định mục tiêu đến 2020, toàn bộ các tài liệu liên quan đến hoạt động hành chính công phải được lưu hành dưới dạng văn bản điện tử. Từ 2024 trở đi, mọi dịch vụ công từ trung ương đến địa phương dành cho mọi cá nhân và tổ chức đều trên cơ sở tương tác từ xa thông qua hệ thống dữ liệu thông tin công cộng ở chế độ chủ động (người nộp đơn thực hiện qua mạng, không phải đến tận nơi).
Về nguồn nhân lực và đào tạo
Chương trình xác định xây dựng hệ thống giáo dục bảo đảm cung cấp nguồn nhân lực cho nền kinh tế số hóa. Chuyển đổi thị trường lao động dựa trên nền tảng các yêu cầu của nền kinh tế kỹ thuật số với các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2024, đó là: Đào tạo mỗi năm được 120.000 người có trình độ đại học trở lên về công nghệ thông tin và truyền thông. Mỗi năm có 800.000 người tốt nghiệp và đã được đào tạo chuyên về công nghệ thông tin đạt trình độ trung cấp trở lên và đạt chuẩn quốc tế. Đạt tỷ lệ 40% dân số có những kỹ năng nhất định về kỹ thuật số.
Còn từ năm 2024 trở đi, nguồn nhân lực tiềm năng cho nền kinh tế kỹ thuật số phải thường xuyên được “tái đào tạo” và nâng cao.
Về hoạt động nghiên cứu và lưu giữ công nghệ
Xây dựng hệ thống hỗ trợ tìm kiếm và nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số. Bảo đảm sự chủ động và độc lập về công nghệ số, có sức cạnh tranh ở quy mô toàn cầu và duy trì sự bảo đảm cho an ninh của quốc gia. Các tiêu chí cụ thể trong lĩnh vực này là có ít nhất 30 dự án (với quy mô từ 100 triệu rub trở lên) có liên quan đến lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số được triển khai. Có ít nhất 10 tổ chức của Nga tham gia vào các dự án hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học kỹ thuật (với quy mô từ 3 triệu USD trở lên) có liên quan đến kinh tế.
Về hạ tầng kỹ thuật số
Trên cở sở một khung pháp lý thống nhất sẽ tạo định hướng cho sự phát triển mạng lưới thông tin và hệ thống các trung tâm xử lý dữ liệu. Thực hiện các nghiệp vụ dựa trên nền tảng dữ liệu kỹ thuật số để đáp ứng các nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và chính phủ. Các chỉ tiêu cụ thể cần phải đạt được đến năm 2024 trong lĩnh vực này là có 97% tổng số hộ gia đình được kết nối với mạng internet băng thông rộng.
Trong năm 2020, trên toàn bộ các tuyến quốc lộ của liên bang phải được phủ sóng wifi, còn đến năm 2024, tốc độ đường truyền ổn định trên toàn quốc đạt 100 Mb/giây. Đến năm 2025, tiêu chí này phải hiện hữu tại tất cả các điểm dân cư có từ 1000 người trở lên và chi phí cho internet không chiếm quá 0,05% thu nhập bình quân.
Tại các thành phố lớn (từ 1 triệu dân trở lên) có mạng 5G hoạt động ổn định. Mạng 5G sẽ bắt đầu được triển khai thử nghiệm từ năm 2022 ( kế hoạch trước đó là năm 2020).
Từ năm 2018 -2019, thông qua được khái niệm về “thành phố thông minh” trên toàn quốc và kế hoạch triển khai cụ thể cho 50 đô thị, phấn đấu đến năm 2024 sẽ có khoảng 50 triệu dân sinh sống tại các đô thị thông minh mà nhờ đó nước Nga lọt vào Top 10 các quốc gia về phát triển các thành phố thông minh trên thế giới. Trong năm 2020 sẽ có 5 năm thành phố triển khai dự án chạy thử các phương tiện giao thông công cộng không người lái.
Về lĩnh vực an ninh mạng
Đạt được mức giữ gìn và bảo mật thông tin của cá nhân, tổ chức và của quốc gia trên không gian mạng. Bảo đảm các quyền hiến định và chất lượng cuộc sống cho từng công dân từ đó tạo điều kiện cho toàn bộ nền kinh tế phát triển. Các tiêu chí cần đạt được là: Ít nhất 50% dân có kiến thức và hiểu biết đúng đắn về công tác an ninh mạng, về cách tiếp cận với truyền thông và sử dụng các dịch vụ internet. Có 97% người dân chủ động sử dụng các biện pháp bảo vệ thông tin trong số những người dân sử dụng internet cả năm. Có 75% số địa phương đạt chuẩn về bảo vệ và bảo mật thông tin trong các mối quan hệ với các cơ quan công quyền cũng như với các tổ chức xã hội.
Theo số liệu công bố mới đây của Chính phủ Nga, tổng chi phí cho chương trình xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số đến năm 2024 là 2,7 nghìn tỷ ruble (khoảng 45 tỷ USD). Trong đó, nguồn từ ngân sách là 1,2 nghìn tỷ ruble (628 tỷ ruble sẽ được chi cho việc xây dựng hạ tầng viễn thông), số còn lại là từ các nguồn do các doanh nghiệp đầu tư và sẽ nhận được các ưu đãi về thuế và lãi suất tín dụng.
Mặc dù mốc thời gian để thực hiện còn khá dài nhưng hiện nay tại LB Nga đã có rất nhiều dịch vụ công như cấp đổi hộ chiếu, bằng lái xe, nộp thuế, đăng ký khám bệnh theo bảo hiểm y tế… gần như được thực hiện dưới dạng tương tác từ xa.
Sau một quá trình thử nghiệm xe ô tô không người lái trong phạm vi hẹp và quãng đường ngắn, vào tháng Tám vừa qua, hãng công nghệ Yandex đã đưa nước Nga trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu thực hiện việc vận hành chuyến xe taxi không người lái trên hành trình gần 800 km từ Moscow đến thành phố Kazan hết 11 giờ và mặc dù có lái xe ngồi sau vô lăng để dự phòng nhưng 99% thời lượng xe ô tô làm việc là ở chế độ tự động lái.