Số người mắc bệnh ung thư trên toàn thế giới đang gia tăng nhanh chóng, với 18,1 triệu ca mắc bệnh mới và sẽ có khoảng 9,6 triệu người tử vong do căn bệnh này trong năm 2018.
Vào cuối thế kỷ này, ung thư sẽ là căn bệnh gây tử vong số 1 trên thế giới và trở thành mối đe dọa lớn nhất làm giảm tuổi thọ trung bình của con người.
Đây là số liệu mang tính chất dự báo do Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu ung thư (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 12/9, dựa trên công trình nghiên cứu thực hiện tại 185 quốc gia trên thế giới. Con số này tăng so với 14,1 triệu ca mắc bệnh mới và 8,2 triệu người tử vong vì ung thư vào năm 2012 trong cuộc khảo sát gần đây nhất.
Báo cáo của WHO cho biết, ung thư phổi, ung thư vú ở nữ giới và ung thư đại trực tràng là 3 căn bệnh có tỷ lệ mắc cao và thuộc top 5 căn bệnh ung thư dẫn tới tử vong. Cụ thể, ung thư phổi là nguyên nhân khiến 1,8 triệu người tử vong – chiếm 18,4% trường hợp tử vong vì ung thư trong năm 2018. Ung thư đại trực tràng là nguyên nhân gây tử vong thứ hai, khiến 881.000 người tử vong, trong khi số người tử vong vì ung thư vú là 627.000 trường hợp. Kết hợp lại các số liệu trên thì 3 căn bệnh ung thư này là nguyên nhân gây ra 1/3 số trường hợp tử vong vì ung thư trên toàn cầu vào năm 2018.
Theo số liệu của WHO, trung bình trên thế giới, cứ 5 nam giới thì có 1 người và 6 phụ nữ thì có 1 người mắc bệnh ung thư, với 1/8 số nam giới và 1/11 số nữ giới tử vong bởi căn bệnh nguy hiểm này. Số liệu thống kê trên toàn thế giới cũng cho thấy, số người kéo dài tuổi thọ được thêm 5 năm kể từ sau khi bị chẩn đoán ung thư ước tính là 43,8 triệu trường hợp.
Theo WHO, ung thư phổi hiện đang là một căn bệnh ung thư thường gặp nhất ở nam giới, chiếm tới 14,5% ca mắc bệnh và là căn bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu cho nam giới. Trong khi đó, con số này ở nữ giới là 8,4%. Báo cáo của WHO cũng chỉ ra rằng, những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tử vong do ung thư phổi cao nhất tập trung ở Bắc Mỹ, Bắc và Tây Âu, Trung Quốc, Australia và New Zealand.
Báo cáo của WHO kết luận việc gia tăng các ca mắc ung thư trên phạm vi toàn cầu xuất phát từ một số nguyên nhân, gồm gia tăng và già hóa dân số, cùng một số yếu tố liên quan tới phát triển kinh tế-xã hội. Nhận định này đặc biệt đúng tại các nền kinh tế đang có tốc độ phát triển nhanh chóng, khi được chứng kiến xu hướng dịch chuyển từ các căn bệnh ung thư liên quan tới đói nghèo sang các căn bệnh ung thư liên quan tới phong cách sống tại các quốc gia công nghiệp hóa./.